A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình tăng trưởng mới giai đoạn 2026 – 2030: Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm trụ cột

Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, triển khai các giải pháp để tăng chất lượng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045 lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm trụ cột. Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tại Diễn đàn khoa học với chủ đề “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội.

Trước mắt, trong 5 năm tới, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, triển khai các giải pháp để tăng chất lượng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Sự cần thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, mô hình tăng trưởng cũ hay còn gọi là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên việc tăng số lượng các yếu tố đầu vào, như: vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Mô hình này đã góp phần tạo nên thành tựu phát triển nổi bật trong hơn ba thập kỷ qua, đưa Việt Nam thoát nghèo, duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng như lao động giá rẻ, vốn đầu tư lớn và hội nhập sâu đang dần suy yếu. Doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: 3 động lực tăng trưởng của 30 năm qua, như: lao động giá rẻ, vốn đầu tư lớn và hội nhập thị trường thế giới đang dần giảm hiệu lực, tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng vốn ngày càng chậm. Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với các quốc gia trong khu vực, như: Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia chủ yếu nằm ở phân khúc giá trị thấp. Kết quả là nền kinh tế Việt Nam chưa bứt phá.

Toàn cảnh Diễn đàn

Trước thực trạng đó, Việt Nam cần một mô hình mới để thoát khỏi giới hạn cũ và tạo bứt phá trong giai đoạn tới. Mô hình tăng trưởng mới không chỉ là định hướng dài hạn, mà phải được cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình hành động rõ ràng và có tính khả thi cao.

Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm trụ cột

Mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới cần được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, bao gồm cả yếu tố kinh tế, công nghệ, môi trường và xã hội. Trọng tâm của mô hình tăng trưởng mới là năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. 3 nhóm ngành có thể là đầu tàu trong mô hình tăng trưởng mới, gồm: Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; năng lượng xanh và chuyển đổi xanh; công nghiệp chế biến, chế tạo cao cấp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng: Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh như là một động lực mới cho mô hình tăng trưởng. Bên cạnh mô hình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh sẽ tạo ra những động lực của mô hình tăng trưởng mới cho giai đoạn mới…Kinh tế xanh là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế bền vững, có xã hội, môi trường, thể chế nữa. Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đã bao hàm trong đó là chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vậy nên, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh phải luôn gắn với chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, Việt Nam cũng cần ưu tiên đầu tư, phát triển chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu; tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tận dụng xu hướng dịch chuyển toàn cầu. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: Phương thức tăng trưởng của Việt Nam phải dựa trên phương thức tăng trưởng số, tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ. Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và an toàn, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng để có nền kinh tế số phát triển bao trùm và toàn diện. Với tăng trưởng số, quan trọng nhất chính là tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số Việt Nam đóng góp vào GDP là 13,7%. Năm 2025, tỷ trọng kinh tế số phải là 20% GDP đến năm 2030 là 30%.

Ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo trường Đại học CMC, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc Dân

Trong mô hình tăng trưởng mới, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt thông qua các chương trình mang tầm quốc gia về khoa học công nghệ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cho biết: Việt Nam đã xác định yếu tố khoa học công nghệ là động lực chính trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong một số lĩnh vực có thể đi tắt, đón đầu, tập trung đầu tư để có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. Xác định các ngành, lĩnh vực cần đặc biệt thúc đẩy để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc cho mô hình tăng trưởng mới. Mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới tích hợp nhiều yếu tố, từ yếu tố kinh tế, công nghệ đến môi trường và xã hội. Mô hình tăng trưởng mới khi vận hành hiệu quả sẽ đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thịnh vượng vào năm 2045.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật