A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp bách cải tạo chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng do mưa bão

Trước tình trạng nhiều khu chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… đặc biệt là do ảnh hưởng của tình trạng mưa bão trên diện rộng thời gian qua, vấn đề cải tạo chung cư cũ ngày càng trở nên cấp bách.

Cấp bách cải tạo chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng do mưa bão

TP Hải Phòng xác định chung cư A7 Vạn Mỹ Hải Phòng bị nghiêng lún sau bão số 3, không thể tiếp tục sử dụng. Ảnh: Mai Dung

Thấp thỏm sống ở chung cư cũ chờ sập

Vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và bão số 4 khiến cho nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây dựng lại đã có hiện tượng nứt, nghiêng, không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng.

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 - 1990 của thế kỷ trước. Hầu hết các chung cư đến thời điểm này đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó, có 6 khu nguy hiểm cấp D (cấp độ nguy hiểm nhất) buộc phải phá dỡ để xây dựng lại như: Nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ, G6A Khu tập thể Thành Công, nhà A Khu tập thể Ngọc Khánh, Khu tập thể Bộ Tư pháp...

Gia đình ông Đỗ Văn Kỳ sinh sống ở chung cư A7 Tân Mai (quận Hoàng Mai) đã được hơn 20 năm. Qua nhiều năm sử dụng, tòa nhà dần xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang bộ từ tầng 1 đến tầng 5 và chiếu nghỉ tách hoàn toàn khỏi khối nhà. Sau ảnh hưởng của bão số 3, dãy nhà càng xuống cấp trầm trọng khiến ông không khỏi lo lắng dãy nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 10.2010, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã ra văn bản xếp khu tập thể này vào loại nguy hiểm cấp C, cần ưu tiên cải tạo. Tuy nhiên, người dân cho biết, việc phản ánh rồi lại kiểm tra, quy trình đó đã lặp lại hơn 10 năm nay nhưng việc cải tạo vẫn án binh bất động.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hải Phòng, qua kiểm định năm 2016-2017, các đơn vị tư vấn đã xác định thành phố có 97 chung cư nguy hiểm cấp D. Đến nay, sau 7 - 8 năm tiếp tục sử dụng, các công trình này không được sửa chữa, bảo trì, đồng thời lại bị ảnh hưởng, hư hỏng nghiêm trọng do hậu quả bão số 3 gây ra, nên hiện tại các chung cư này đặc biệt nguy hiểm. Riêng 2 nhà chung cư cũ A7 và A8 phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền đã bị nghiêng, lún không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.

Khu chung cư C3 - Quang Trung (phường Quang Trung - TP Vinh, Nghệ An) đã sử dụng khoảng 50 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Đại

Khu chung cư C3 - Quang Trung (phường Quang Trung - TP Vinh, Nghệ An) đã sử dụng khoảng 50 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Đại

Mòn mỏi chờ di dời

Tại TP Đà Nẵng hiện 9 chung cư được kiểm định có mức độ nguy hiểm cấp B, C. Trong đó có chung cư xây dựng được hơn 50 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp nặng nề. Trong đó, nhà tập thể số K33/21 Cao Thắng, đường Cao Thắng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng hiện đã bong tróc gạch vữa, lòi cốt thép bên trong. Rêu, cỏ dại bao trùm cả căn nhà ở tập thể.

Chị Võ Thị Thanh Vân - người dân tại nhà tập thể số K33/21 Cao Thắng - cho biết, mỗi khi trời mưa, gió to và có thông tin mưa bão bất thường thì lực lượng chức năng sẽ vận động di dời các hộ dân ở khu nhà ở tập thể này đến nơi an toàn.

Đối với 9 chung cư, nhà ở tập thể nguy hiểm cấp độ B, C ở quận Hải Châu, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, cần được kịp thời sửa chữa, gia cường các cấu kiện nguy hiểm và các hư hỏng cục bộ trước khi sử dụng tiếp. Việc sửa chữa, gia cường phải được thiết kế thi công bởi các đơn vị có đủ năng lực theo quy định. Thời hạn tiếp tục sử dụng của các chung cư này là từ 3 đến 5 năm nhưng có chung cư chỉ sử dụng được từ 2 - 3 năm nữa.

Tại Nghệ An, nhiều chung cư cũ tập trung tại phường Quang Trung, TP Vinh trong đó, có 5 khu ký hiệu từ C2 đến C6, mỗi khu có 80 căn hộ, tổng cộng có 400 căn hộ có người ở. Các khu chung cư này được xây dựng bằng kỹ thuật lắp ghép, đã sử dụng khoảng 50 năm, đến nay đã ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm. Cách đây hàng chục năm, tỉnh Nghệ An đã triển khai các dự án cải tạo, di dời các khu chung cư cũ nói trên.

Do tiến độ một số dự án triển khai chậm, vướng mắc, nên người dân các khu chung cư cũ chưa có nơi ở mới kịp thời, dẫn đến những nỗi lo âu thấp thỏm, bất an, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An liên tục đốc thúc các nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành các dự án cải tạo chung cư cũ, với mục tiêu bố trí cư dân tại đây có nơi ở mới khang trang, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án nảy sinh nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, năng lực nhà đầu tư, yêu cầu của người dân, dẫn tới một số dự án chậm tiến độ, đẩy hàng nghìn người rơi vào hoàn cảnh bất an, nguy hiểm cận kề.

Cần đột phá trong cải tạo chung cư cũ

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề cấp bách cần thực hiện. Ảnh: Linh Trang

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề cấp bách cần thực hiện. Ảnh: Linh Trang

Trao đổi về thực trạng các chung cư cũ, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng, để đảm bảo an toàn cho người dân, vấn đề thẩm định, kiểm định chất lượng chung cư cần phải giao cho các tổ chức thẩm định của tư nhân tham gia đánh giá. Theo đó, Nhà nước sẽ quản lý về luật pháp và cơ quan thẩm định phải chịu trách nhiệm về nghiên cứu của mình. Hiện nay mô hình này đang được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng và đạt hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, cần xây dựng, cải tạo chung cư cũ theo mô hình đô thị nén nhằm tận dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Thay vì xây 20 nhà tập thể có chiều cao 20 tầng, có thể nghiên cứu xây 4 khu nhà tập thể có chiều cao 40 tầng.Với những khu vực còn lại có thể tận dụng xây trường học, công viên, bến xe.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, hiện nay còn nhiều thách thức khi cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Linh Trang

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, hiện nay còn nhiều thách thức khi cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Linh Trang

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98 hướng dẫn về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (có hiệu lực từ ngày 1.8) được đánh giá sẽ tạo đột phá trong cải tạo chung cư cũ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với cải tạo chung cư cũ hiện nay là giải quyết hài hòa bài toán quy hoạch. Theo đó, tại Hà Nội việc cải tạo hàng chục tòa chung cư cũ tại khu tập thể Giảng Võ khá thuận lợi vì chiều cao được duyệt khu này khoảng 40 tầng, dân số khu vực này không bị hạn chế. Nhưng cũng có những nơi như khu tập thể Ngọc Khánh, Trung Tự, Văn Chương có hàng trăm nhà chung cư cũ nhưng cải tạo, xây dựng lại vô cùng khó. Muốn cải tạo các khu tập thể cũ này, thành phố phải có các khu đất trống khác để bù cho chủ đầu tư. Chẳng hạn khu tập thể cũ Văn Chương muốn cải tạo khu vực này, Hà Nội phải mở thêm đường giao thông nên cần có quỹ đất bù cho doanh nghiệp tham gia cải tạo.

"Nhà nước cần phải đứng ra mở đường chứ chủ đầu tư không tự làm được, chi phí làm đường vào khu tập thể này rất lớn, rất khó để chủ đầu tư xoay xở" - ông Hiệp nhận định.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh về việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ; lập, phê duyệt quy hoạch nhà chung cư cần cải tạo; lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cải tạo chung cư cũ, chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch phân khu cho các khu chung cư cũ, có sự điều chỉnh linh hoạt về chiều cao và mật độ dân số. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt với sự quyết tâm cao thì kế hoạch cải tạo chung cư cũ mới mang lại hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật