Mua nhà ở Thủ đô
Tôi đã từng gặp không biết bao nhiêu lần những câu hỏi kiểu: “Thu nhập bao nhiêu mỗi tháng thì có thể mua nhà ở Hà Nội?”, “Mất bao nhiêu năm tích cóp thì mua được nhà ở Hà Nội”.
Đó là những câu hỏi khó vì giá nhà đất ở Hà Nội liên tục nhảy múa theo xu hướng tăng. Một tờ báo điện tử đã thử dùng công thức để tính hộ bạn đọc với câu hỏi rằng: “Nếu không chi tiêu gì, bạn cần bao lâu để mua một căn hộ tại Hà Nội?”. Tôi đánh liều thử gõ mức thu nhập của mình là 20 triệu đồng/tháng thì ra kết quả là phải mất tới 7 năm để mua một chung cư chưa đến 50m2, 1 phòng ngủ ở Linh Đàm, còn mơ mộng những dự án cao cấp hơn thì hỡi ôi phải mất từ 18-20 năm, thậm chí lâu hơn.
Hãy nhớ rằng, đấy là giả sử thu nhập 20 triệu đồng/tháng và… không ăn tiêu gì! Còn để tiết kiệm được 20 triệu đồng mỗi tháng, thì thu nhập cho một mức sống ở Hà Nội, có lẽ phải dao động từ 35-40 triệu đồng/tháng.
Còn thực tế, con số từ Tổng cục Thống kê vừa đưa ra hồi đầu tháng 10: Thu nhập trung bình của người lao động tại Hà Nội là 10,7 triệu đồng, tăng 6,6% so với quý trước.
Việc giá nhà tăng cao cũng làm tăng chi phí sinh hoạt, khiến nhiều người phải điều chỉnh lại mức chi tiêu của mình. Các khoản vay mua nhà từ ngân hàng cũng trở nên rủi ro hơn khi lãi suất không ổn định, dễ dẫn đến tình trạng nợ nần hoặc mất khả năng thanh toán. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản có xu hướng gia tăng.
Thế thì chờ đến bao giờ và giải pháp nào? Về cơ bản vẫn phải đẩy mạnh quy hoạch và phát triển các khu đô thị vệ tinh: Các khu đô thị vệ tinh như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức cần được đầu tư phát triển mạnh hơn về hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội để giảm áp lực về nguồn cung nhà ở tại khu vực trung tâm.
Thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ: Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
Bên cạnh đó, cần cải tiến cơ chế vay vốn mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ tình trạng đầu cơ và thổi giá: Cần có chính sách kiểm soát và giám sát chặt chẽ các hoạt động đầu cơ, thổi giá bất động sản để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Ngoài ra, cần hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính. Việc rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cải tiến quy trình pháp lý và giảm thiểu các thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tạo điều kiện cho việc phát triển nhà ở.
Đề xuất đánh thuế bất động sản đối với những người sở hữu nhiều bất động sản hoặc đánh thuế theo từng cấp độ sở hữu từng được nói đến như một giải pháp để hạn chế tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất này cần phải xem lại bởi bài học “siết” bất động sản từ Trung Quốc cho thấy tác động xấu tới kinh tế nói chung.
Mua nhà ở Hà Nội hay ở những đô thị đang là bài toán khó giải, nó cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó, doanh nghiệp là đối tượng được ưu tiên trong vai trò đáp ứng nguồn cung.