Sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu
TPHCM - Trong bức tranh chung về lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp niêm yết, nhóm ngành bất động sản nhà ở được dự báo có tăng trưởng âm.
Bức tranh lợi nhuận quý III/2024 của nhóm doanh nghiệp bất động sản theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) là kém khả quan, với dự báo tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận toàn thị trường được dự phóng khá tích cực, với mức tăng trưởng tới 19,5%.
Trước mùa công bố báo cáo tài chính quý III, với việc báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của các doanh nghiệp bất động sản sau khi được soát xét bởi đơn vị kiểm toán, đã lộ ra nhiều điểm đáng lo ngại. Trong đó, một số doanh nghiệp đã lỗ càng thêm lỗ, thậm chí chuyển từ lãi trên báo cáo tự lập thành khoản lỗ lớn sau khi soát xét.
Đơn cử như báo cáo tài chính bán niên soát xét 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) có sự chênh lệch trong lợi nhuận sau thuế trước và sau soát xét. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Novaland trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận lỗ 7.327 tỉ đồng so với báo cáo tài chính tự lập với lợi nhuận 345 tỉ đồng. Hay như trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi cũng chung tình cảnh tương tự. Sau soát xét, doanh nghiệp lỗ hơn 10 tỉ đồng, chênh lệch lớn so với phần lãi hơn 7 tỉ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Bên cạnh đó, một bức tranh thường thấy hiện nay - đó là nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng liên tục báo cáo thua lỗ ngay từ khi tự lập con số tài chính chứ chưa cần tới sự “soi chiếu” của đơn vị kiểm toán. Đơn cử như trường hợp Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai báo lỗ 16,6 tỉ đồng nửa đầu năm, tiếp tục đà thua lỗ của cùng kỳ năm trước (13,7 tỉ đồng). Trong cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản giảm mạnh.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Phước (Tiến Phước Group) vừa có báo cáo về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 với khoản lỗ ròng hơn 181 tỉ đồng. Cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp này cũng báo lỗ cả năm khoảng 160 tỉ đồng. Gây chú ý với nhiều dự án lớn, tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Tiến Phước Group khá ảm đạm.
Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ nợ/EBITDA (lợi nhuận trước khi trừ chi phí) của ngành bất động sản đã tăng lên 3,7 lần, từ mức 2,7 lần trong năm 2023; nguồn tiền mặt chỉ tăng 5%; dòng tiền từ hoạt động kinh doanh phục hồi nhẹ nhưng vẫn ở mức âm.
Trong đó, hơn 2/3 số doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán có dòng tiền trả nợ từ mức yếu đến cực kỳ yếu. Dòng tiền hoạt động dưới 5% tổng nợ, đặc biệt là những chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý dự án như Đầu tư LDG, Quốc Cường Gia Lai và Novaland. Việc phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngắn hạn gây ra rủi ro tái cấp vốn đáng kể.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings lưu ý thêm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp địa ốc đang khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Trước đây, doanh nghiệp địa ốc có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng và linh hoạt, từ các hợp đồng hợp tác đầu tư, từ người mua nhà, trái phiếu, vay ngân hàng… nhưng nay các kênh này đều gặp khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - đưa ra nhận định, tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu. Trước đây, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn và trải qua tình trạng "bạo bệnh", nhưng hiện đã vượt qua giai đoạn "sinh tử". Những doanh nghiệp còn tồn tại đến thời điểm này là một điều đáng mừng. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản nên "liệu cơm gắp mắm", cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đầu tư, tránh dàn trải và bố trí nguồn lực tài chính sao cho phù hợp.