"Start up" công nghệ làm chủ công cho phát triển và hội nhập
Năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2022. Đây là bước tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng chưa phải là thực tài, thực lực tài nguyên con người Việt Nam. Chúng ta có quyền tự tin rằng, những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt lên, nằm trong “Top” của khu vực như Singapore, Malaysia.
Để tăng thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp, hay nói đúng hơn, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ sẽ là lực lượng chủ công. Trong hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra để xếp hạng, đều cho thấy vai trò của doanh nghiệp. Đặc biệt, ở nhóm chỉ số đầu ra gồm có: Một là sản phẩm tri thức và công nghệ, hai là sản phẩm sáng tạo. Cả hai đều đặt lên vai doanh nghiệp.
Đương nhiên là như vậy, bởi vì đổi mới sáng tạo phải được đo lường bằng sản phẩm chất lượng cao, phục vụ cho đời sống của con người, được thị trường chấp nhận. Cho dù kết quả nghiên cứu của công trình khoa học “lộng lẫy” trên lý thuyết, nghiệm thu trong phòng thí nghiệm, mà không biến thành sản phẩm thương mại hóa thì đó cũng chỉ là “hữu danh vô thực”. Chính vì vậy, Việt Nam xác định muốn phát triển nhanh và bền vững phải dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp, có cả chương trình "Quốc gia khởi nghiệp", nhưng đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có nhiều sản phẩm gây "sóng gió" trên thị trường công nghệ toàn cầu. Có nhiều chương trình, nhưng chưa xuất hiện nhiều tinh hoa, nhiều kỳ lân, đó là thực tế mà các nhà làm chính sách cần quan sát kỹ lưỡng để có biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp thành công hơn, hiệu quả hơn.
Xin lưu ý, trong nhóm chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo, số một chính là "thể chế". Đã đổi mới sáng tạo thì phải đột phá, phải khác biệt, cho nên nếu gò bó trong nguyên tắc và quy định cho cái đã định sẵn thì không có không gian cho cái mới, không có đất để sinh ra sản phẩm sáng tạo. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần sự hỗ trợ về chính sách, đảm bảo vệ lợi ích, bảo vệ về quyền sở hữu và có những ưu tiên cho sản phẩm trí tuệ.
Đổi mới là một đòi hỏi không ngừng để tiến bộ xã hội, cho nên cần phải có những giải pháp phù hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp dấn thân vào con đường sáng tạo. Giải pháp cho sáng tạo đương nhiên phải thực sự sáng tạo để hài hòa với thực tế.
Muốn có được sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo, cần phải có lực lượng doanh nghiệp công nghệ tiên phong, với sự hỗ trợ của những chính sách thông minh.