A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh Hà Nội tranh tài khởi nghiệp, kêu gọi nhà đầu tư

Học qua trải nghiệm thực tế - đây là cách các trường phổ thông hiện nay đang thực hiện nhằm giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, phát triển được khả năng giải quyết vấn đề.

Lê Mỹ Hà Anh, học sinh khối 6, Trường Dewey Cầu Giấy (Hà Nội) vừa hoàn thành màn thuyết trình về dự án Board Game Toán học tại vòng chung kết dự án “My Project 23” và kêu gọi thành công sự đầu tư của 3 doanh nghiệp.

Học sinh khối 6, 7 tự tin thuyết trình, giới thiệu các dự án khởi nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh khối 6, 7 tự tin thuyết trình, giới thiệu các dự án khởi nghiệp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

“My Project 23” là một dự án dành cho học sinh khối 6, 7 của bộ môn Sáng chế MDE (Maker - Design - Engineering) - môn học được Trường Dewey Cầu Giấy đưa vào giảng dạy. Ngày 23.5, các em học sinh đã có màn thuyết trình ấn tượng về các dự án, trước các thầy cô giáo, phụ huynh và đại diện một số doanh nghiệp.

Điều đặc biệt của môn học này, các em học sinh sẽ trình bày ý tưởng của mình, cùng nhau thực hiện dự án và kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Đây cũng là cách nhà trường đánh giá, lấy điểm kiểm tra cho môn học này.

Sau quá trình học sinh thực hiện, 5 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng chung kết, gồm có:

Dự án đi sâu vào vấn đề bạo lực gia đình: Các em học sinh đã làm một cuốn sổ tay với các lưu ý để tránh khỏi bạo lực gia đình cùng với những số điện thoại hotline liên hệ khi xảy ra bạo lực gia đình.

Dự án sản phẩm handmade về lịch với 1 điểm khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường: Đây là sản phẩm lịch để bàn đếm ngược đến kỳ nghỉ hè - kỳ nghỉ được học sinh rất trông đợi.  Mỗi lần giở một tờ lịch mới, khách hàng sẽ có 1 bất ngờ thú vị. Đó có thể là một câu đố, một món quà hay một lời khuyên hữu ích.

Dự án tập trung vào khía cạnh cải tiến đồ ăn vặt để tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Dự án về sản phẩm giúp học sinh yêu môn Toán học lớp 6 nhiều hơn, yêu thích hơn với các công thức khó nhớ.

Dự án liên quan tới vấn đề ô nhiễm rác thải ở sông hồ. Ở dự án này, các em học sinh đã đưa ra thiết kế 1 dạng máy thu gom rác thải dựa trên kiến thức khoa học các bạn vừa được học tại trường.

Học sinh nhận giải đầu tư sau phần thi. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh nhận giải đầu tư sau phần thi. Ảnh: Nhà trường cung cấp

“Trước khi vào chung kết, nhóm chúng em khá lo lắng vì cảm thấy sản phẩm chưa thực sự hoàn hảo. Chúng em đã vỡ oà trong niềm vui khi nhận được sự đầu tư của cả 3 doanh nghiệp tham dự trong buổi thuyết trình của chúng em.

Sản phẩm xuất phát từ chính việc sợ môn Toán của cả nhóm nói riêng và với các bạn học sinh nói chung. Vì vậy chúng em muốn mang đến một sản phẩm giúp các bạn có thể vừa học vừa chơi và tạo hứng thú hơn với bộ môn Toán” - Hà Anh chia sẻ

Cô Đoàn Thị Lâm Oanh - giáo viên phụ trách dự án chia sẻ, điều đặc biệt của dự án là các nhóm được tự lựa chọn chủ đề dự án. Qua lăng kính về cuộc sống của mình, các em học sinh được nói lên vấn đề mình quan tâm, tìm giải pháp cho chính mình và những người xung quanh, từ những câu chuyện quen thuộc hằng ngày đến những vấn đề vĩ mô, mang tính toàn cầu.

"Qua dự án, tôi mong muốn các con bên cạnh rèn luyện các kỹ năng, sẽ đem được những kiến thức được học của mình đến với thực tiễn, lan tỏa tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo của mình để giải quyết chính những vấn đề của cuộc sống, có tác động tới cộng đồng trong vai trò của những công dân toàn cầu mà các con đang trở thành" - cô Lâm Oanh nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan