A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mất tiền oan vì bị "hack" tài khoản chạy quảng cáo Facebook

Nhiều hình thức lừa đảo mới xuất hiện trong thời gian gần đây; trong đó có hình thức "hack" thẻ Mastercard khi chạy quảng cáo bài viết Facebook. Đáng nói, các đối tượng này còn tiếp tục giả mạo nhân viên ngân hàng để moi móc thông tin nạn nhân, nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Đột ngột mất tiền oan

Chị Phan Thị Liễu (SN 1993, trú tại Ninh Bình) lên tiếng về việc mất tiền do bị “hack” tài khoản ngân hàng liên kết với Facebook Ads. Làm công việc Content Marketing, chị Liễu nhiều lần sử dụng Facebook Ads để chạy quảng cáo thông qua tài khoản của công ty.

Đầu tháng 4.2023, chị nhận giúp một người quen làm thêm công việc này và sử dụng tài khoản Mastercard của mình để chạy quảng cáo. Giao dịch lần cuối trên thẻ của chị là từ ngày 3.4.

Ngày 8.4.2023, chị đột ngột nhận thông báo tài khoản ngân hàng bị trừ 336.000 tiền chạy quảng cáo; trong khi không chạy bất cứ chiến dịch nào. Ngay cả khi truy xuất hóa đơn từ trình quản lý quảng cáo, chị Liễu cũng không thấy có hóa đơn thống kê việc này.

Chị Liễu đột ngột nhận thông báo bị trừ tiền tài khoản ngân hàng vì chạy quảng cáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Liễu đột ngột nhận thông báo bị trừ tiền tài khoản ngân hàng vì chạy quảng cáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngay lập tức, chị Liễu chuyển hết số tiền còn lại sang tài khoản của một ngân hàng khác. Đồng thời, chị liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để phản ánh tình trạng trên, yêu cầu khóa thẻ. Nhân viên ngân hàng cho biết đã tiếp nhận thông tin.

Không mong có thêm người rơi vào cảnh như mình, chị Liễu đăng bài phản ánh trên mạng xã hội Facebook. Sau 30 phút kể từ khi bài viết được đăng tải, một số điện thoại lạ đã gọi điện cho chị tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Tinh vi giả mạo nhân viên ngân hàng

“Đối tượng nói là nhân viên ngân hàng gọi điện để hỗ trợ tôi và đặt các câu hỏi như: Giao dịch bị trừ lúc mấy giờ? bao nhiêu tiền? Giao dịch cuối cùng vào tài khoản nào? Có số điện thoại của người chuyển tiền không, yêu cầu tôi cung cấp để ngân hàng xác minh. Tôi nghĩ cũng hợp lí nên cung cấp đầy đủ thông tin”- chị Liễu nhớ lại.

Chưa dừng lại ở đó, đối tượng còn tự xưng: “Họ tên là Nguyễn Xuân Chính, mã nhân viên là 8495” khiến chị Liễu buông lỏng cảnh giác. Tuy nhiên, câu hỏi cuối khiến chị giật mình: “Chị có dùng ngân hàng nào khác ngoài ngân hàng bị hack tiền hay không”.

Vài phút sau cuộc gọi đó, đối tượng này tiếp tục gọi cho số điện thoại đồng nghiệp của chị Liễu – chủ tài khoản giao dịch cuối cùng mà chị Liễu cung cấp. Cùng các câu hỏi như cũ, đối tượng tìm cách dò la thông tin. Đối tượng tiếp tục hỏi người đồng nghiệp này “Số dư tài khoản của chị là bao nhiêu?”.

Thấy lấn cấn vì những câu hỏi không liên quan, chị Liễu một lần nữa gọi điện cho ngân hàng để xác minh thông tin. Lúc này, chị Liễu mới nhận ra, không những chị đã bị "hack" tiền từ tài khoản chạy quảng cáo mà còn bị lộ lọt nhiều thông tin cá nhân khác.

Trên thực tế, chiến dịch quảng cáo của chị đã dừng từ trước đó. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trên thực tế, chiến dịch quảng cáo của chị Liễu đã dừng từ trước đó. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Nhân viên ngân hàng khẳng định là ngân hàng không bao giờ chủ động gọi cho khách hàng như vậy. Hơn nữa, hôm đó là ngày nghỉ nên họ chỉ mới tiếp nhận thông tin, chưa kịp xử lý”- chị Liễu nhớ lại.

Theo chị Liễu, số tiền chị bị hack không quá nhiều so với các nạn nhân khác. Thế nhưng, chị khẳng định những đối tượng này có kịch bản rõ ràng, lường trước được các hành vi tiếp theo của nạn nhân.

“Tôi đã từng đọc được rất nhiều vụ lừa đảo và chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ bị hack tiền hay gặp đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng như vậy. Mọi người thắc mắc tại sao tôi không sử dụng một tài khoản ngân hàng khác để chạy quảng cáo, nhưng nếu đối tượng đã muốn thực hiện hành vi này thì với tài khoản nào chúng cũng sẽ hack được" - chị Liễu nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật