A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nắng nóng đang trở thành bình thường mới

Ngay từ ngày đầu tiên của năm 2023, các đợt nắng nóng cực độ đã làm tăng mối đe dọa với sức khỏe con người và môi trường, nhà nghiên cứu Wei Ke tại Viện Vật lí Khí quyển, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc chỉ ra.

Nắng nóng đang trở thành bình thường mới

Một phụ nữ dội nước vào đầu trong đợt nắng nóng ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: Xinhua

Tần suất, cường độ tăng đáng kể

Châu Âu trải qua những ngày đón năm mới ấm áp nhất trong lịch sử, với nhiệt độ ở một số nơi đạt mức đầu mùa hè. Nhiệt độ cao nhất là 25,1 độ C được ghi nhận ở Bilbao, Tây Ban Nha.

Tại Glucholazy, Ba Lan, nhiệt độ lúc 4h ngày 1.1 lên tới 18,7 độ C - cao hơn nhiệt độ tối thiểu trung bình của địa phương vào mùa hè. Trong khi ít nhất 8 quốc gia châu Âu trải qua ngày đầu năm mới nóng nhất, thì hơn 100 trạm thời tiết ở Pháp báo cáo nhiệt độ kỷ lục.

Theo Báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu 2022 của Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố ngày 21.4.2023, nhiệt độ toàn cầu năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức thời kì tiền công nghiệp từ năm 1850-1900. Nóng lên toàn cầu không phải là hiện tượng nóng dần và đồng đều mà thay vào đó thể hiện qua loạt sự kiện nhiệt độ cực đoan, liên tục phá các kỷ lục nhiệt độ cao trên toàn thế giới.

Đã có sự gia tăng đáng kể cả về tần suất và cường độ của các sự kiện nhiệt độ cực đoan.

Theo báo cáo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, Chi phí Con người do Thảm họa 2000-2019, có 432 trường hợp sự kiện nhiệt độ cực đoan trên toàn cầu từ năm 2000 đến 2019 so với 130 trường hợp ghi nhận trong giai đoạn năm 1980 đến 1999, tăng 232%.

Khi bán cầu bắc bước vào mùa hè, các sự kiện nhiệt độ cực đoan trở thành tiêu chuẩn, chứ không phải là ngoại lệ. Ngày 14.4, tỉnh Tak ở tây bắc Thái Lan ghi nhận nắng nóng thiêu đốt 45,4 độ C, phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất của nước này là 44,6 độ C do tỉnh Mae Hong Son ghi nhận năm 2016.

Những đợt nắng nóng kỷ lục quét qua Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, với nhiệt độ lên tới 42 độ C. Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng làm trầm trọng thêm tình hình ở nhiều khu vực của Đông Nam Á, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và tim mạch.

Tác động rất sâu rộng

Tác động của nhiệt độ cao rất sâu rộng, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, sinh mạng con người mà còn đe dọa đến môi trường và các hệ sinh thái.

Năm 2020, hơn 330 con voi ở khu vực phía nam Botswana chết vì nhiễm độc độc tố cyanotoxin, do nắng nóng và hạn hán kéo dài dẫn đến bùng nổ của vi khuẩn lan trong ao và vùng nước khác.

Nhiệt độ cực cao và hạn hán cũng góp phần gây ra cháy rừng. Trong năm 2019-2020, Australia trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt góp phần dẫn tới những trận cháy rừng kinh hoàng kéo dài trong 9 tháng. Trong khi những vụ cháy rừng gây thiệt hại kinh tế khoảng 10,3 tỉ AUD (6,73 tỉ USD), cướp đi sinh mạng của gần 3 tỉ động vật - thú có vú bao gồm thú có túi, chim, bò sát và lưỡng cư.

Tồi tệ hơn, những vụ cháy rừng thải ra khoảng 715 triệu tấn CO2, nhiều hơn tổng lượng khí thải nhà kính hàng năm của Australia từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.

Theo báo cáo Chi phí Con người do Thảm họa 2000-2019, trong 20 năm qua, các thảm họa liên quan đến lũ lụt tăng 134%, bão tăng 97%, cháy rừng tăng 46% và hạn hán hoặc tương tự hạn hán tăng 29%.

Ngoài ra, khi các đại dương nóng lên, sóng nhiệt thoát ra từ biển và đại dương phổ biến hơn. Bề mặt đại dương ngày càng nóng lên ức chế sự hấp thụ ôxy của nước, làm trầm trọng thêm vấn đề cạn kiệt ôxy trong môi trường biển, tạo thành mối đe dọa với sự sống còn của động vật và thực vật biển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan