Kịch bản tiếp theo khi EU ngừng nhập dầu của Nga
Chỉ 3 tuần nữa, dầu của Nga - nhà cung cấp bên ngoài lớn nhất của EU - sẽ hoàn toàn bị cấm.
Ai sẽ bước vào để bù đắp thiếu hụt nguồn cung khổng lồ này? Và liệu sẽ có đủ? EU liệu có bước vào một cuộc khủng hoảng nhiên liệu? Đây là những câu hỏi được Bloomberg đặt ra.
EU đã nhập khẩu khoảng 220 triệu thùng dầu từ Nga vào năm ngoái, theo dữ liệu của Vortexa do Bloomberg tổng hợp. Dầu là nhiên liệu rất quan trọng đối với nền kinh tế của EU, cung cấp năng lượng cho ôtô, xe tải, tàu, thiết bị xây dựng và sản xuất...
Thay thế 220 triệu thùng dầu của Nga - tương đương 14.000 bể bơi cỡ Olympic chứa đầy dầu - là một thách thức lớn.
Năm 2021, hơn một nửa số dầu vận chuyển bằng đường biển vào EU và Vương quốc Anh - vốn đã có lệnh cấm - là từ Nga. Đến tháng 12 năm ngoái, tỉ lệ đó đã giảm xuống còn khoảng 40%, một phần nhờ tăng nhập khẩu từ Saudi Arabia và Ấn Độ.
Nhìn về phía trước, có lý do để tin rằng, dầu từ các nơi khác có thể bù đắp phần nào cho dầu của Nga.
Eugene Lindell của công ty tư vấn Facts Global Energy cho biết, các nguồn cung bị mất của Nga sẽ được thay thế, nhưng khó có thể đảm bảo hoàn toàn.
Các nhà cung cấp
Nơi rõ ràng nhất mà Châu Âu có thể nhận được nhiều dầu hơn là Trung Đông, bởi vị trí địa lý khá gần. Đặc biệt là với các quốc gia giáp biển Địa Trung Hải - tất nhiên là giả sử rằng kênh đào Suez không bị chặn - và có các nhà máy lọc dầu khổng lồ mới sắp hoạt động để xử lý hàng triệu thùng nhiên liệu.
Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi đồng ý thỏa thuận cung cấp dầu cho Đức. Ấn Độ và Mỹ - cả hai nhà cung cấp dài hạn cho EU - đã tăng cường xuất khẩu trong những tuần gần đây. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ được dự báo sẽ sản xuất một lượng sản phẩm chưng cất kỷ lục trong năm nay, bao gồm dầu diesel được sử dụng cho xe tải và ôtô.
Nhưng nhà cung cấp tiềm năng quan trọng nhất, mặc dù gián tiếp, có thể lại là Trung Quốc.
Mark Williams - giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie - cho biết: “Chính sách của Trung Quốc là nhân tố thay đổi cuộc chơi. Quốc gia này nắm giữ chìa khóa cho tất cả công suất lọc dầu dư thừa trên toàn cầu”.
Các lô hàng dầu xuất khẩu từ Trung Quốc đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Mặc dù chỉ một phần nhỏ trong số này đến Châu Âu, nhưng cũng giúp tăng nguồn cung trong khu vực.
Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu đầu tiên của Trung Quốc cho năm 2023 đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước, khiến lượng dầu khó có thể giảm trở lại mức thấp như hồi đầu năm 2022.
Williams cho biết, xuất khẩu dầu của Trung Quốc có thể đạt 400.000 đến 600.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay - khối lượng tương tự mà EU và Vương quốc Anh bị mất từ Nga.
Theo ông Williams, có một sự thay đổi hoàn toàn về dòng chảy thương mại dầu từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu tâm là Trung Quốc đôi khi chọn ưu tiên bảo vệ môi trường hơn là lợi nhuận từ xuất khẩu nhiên liệu, và nước này có thể làm như vậy một lần nữa.
Vấn đề tiềm ẩn
Mối lo ngại tiềm ẩn lớn là liệu các biện pháp trừng phạt của EU có thể khiến các thùng dầu của Nga biến mất hoàn toàn khỏi thị trường toàn cầu hay không.
Nếu Nga không thể tìm đủ người mua mới ngoài EU cho nhiên liệu của mình thì sao? Nếu Nga cắt giảm sản lượng có thể dẫn đến thắt chặt nguồn cung toàn cầu, và đẩy giá dầu lên cao. Eugene Lindell dự đoán lượng dầu của Nga sẽ giảm vào tháng 2 và tháng 3.
Ngay cả khi có nhiều người mua sẵn sàng, việc đưa dầu ra khỏi Nga có thể là một thách thức. Nhiều chủ hàng sẽ cảnh giác với việc vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây - quy định rằng giá dầu không được cao hơn mức giá trần mà G7 đang thảo luận.
Cơ chế đó và bản thân giá trần - đối với dầu thô là 60 USD/thùng - vẫn chưa được ấn định đối với dầu của Nga. Vào cuối năm ngoái, cơ quan định giá dầu Argus Media định giá dầu của Nga ở mức 926 USD/tấn (khoảng 124 USD/thùng), thấp hơn so với giá dầu thế giới 30 USD/tấn (khoảng 4 USD/thùng).
Nếu mức trần giá trần sắp tới thấp hơn nhiều so với mức thị trường, thì phần lớn đội tàu chở dầu toàn cầu sẽ không thể tiếp tục bốc và vận chuyển hàng hóa của Nga nếu họ muốn tiếp cận các dịch vụ của G7 như bảo hiểm.
Nhu cầu
Mặt trái của bất kỳ câu hỏi nào về việc liệu EU có đủ nguồn cung dầu trong tương lai hay không là: nhu cầu sẽ mạnh đến mức nào?
Thời tiết ấm áp gần đây ở Châu Âu chắc chắn đã giúp ích, có khả năng làm giảm mức tiêu thụ dầu sưởi và giảm giá khí đốt. Theo lý thuyết, điều này sẽ giúp các nhà máy lọc dầu sản xuất dầu chất lượng cao rẻ hơn và cũng làm giảm các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng khí đốt thay dầu mỏ để phát điện.
Benedict George - phóng viên thị trường tại Argus - cho biết, suy thoái kinh tế vĩ mô đang dần làm giảm nhu cầu dầu của Châu Âu. Dữ liệu của từng quốc gia cho thấy nhu cầu dầu của Châu Âu đã giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cuộc suy thoái năm 2008, nhu cầu dầu đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2007 ở mức thấp nhất.