Nguyên liệu sản xuất để xuất khẩu có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng
Xuất khẩu nhiều mặt hàng như dệt may, đồ gỗ, phân bón… có đơn hàng dồi dào, nhưng nguồn cung nguyên liệu đang thiếu khá gay gắt.
Nhiều ngành hàng đang cạn dần nguyên liệu sản xuất
Chia sẻ với PV Lao Động, các doanh nghiệp nhấn mạnh về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu để sản xuất phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trên 90% các mặt hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2.2022 đến nay, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "Zero Covid", tình hình giao thương, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt –Trung và từ các cảng biển Trung Quốc đều giảm công suất, khiến nguồn cung nguyên liệu về Việt Nam đang giảm mạnh.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho hay, mặc dù đã chú trọng đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nhưng với 50% nguyên phụ liệu dệt may được nhập khẩu từ Trung Quốc, việc thiếu nguyên liệu trong ngắn hạn là hiện hữu.
Là doanh nghiệp chuyên may gia công cho các thị trường lớn, Tổng công ty Cổ phần May Đáp Cầu (May Đáp Cầu) nhập tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc theo chỉ định của bạn hàng. Theo ông Nguyễn Đức Thăng - Giám đốc May Đáp Cầu, nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải (Trung Quốc) nên cả tháng nay hàng về rất chậm hoặc không về, khiến doanh nghiệp đang phải đàm phán lại thời gian giao hàng với đối tác.
“Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi đang đàm phán lại thời gian giao hàng nhưng cũng không thể lùi chậm lại quá, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro về thanh toán” – ông Nguyễn Đức Thăng chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Hưng Yên, doanh nghiệp nhập 65% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 khiến nguyên phụ liệu đang bị ách tắc.
“Bình thường từ cảng Thượng Hải về Hải Phòng chỉ mất 7 ngày, nhưng hiện nay phải mất đến 30 ngày nguyên phụ liệu mới về nên nhiều đơn hàng bị chậm lại” - ông Dương cho hay.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Việt Nam đang nhập lượng lớn nguyên phụ liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc, nếu họ vẫn thực hiện chính sách "Zero COVID" thì đây là thách thức về ổn định nguồn cung.
Không riêng gì ngành dệt may, da giày, ngành chế biến xuất khẩu gỗ, thép, phụ tùng... cũng đều trong tình trạng cạn dần nguyên liệu vì hiện nay hàng nhập từ Trung Quốc về rất chậm, nguồn hàng thay thế hoặc là không đúng yêu cầu của đối tác, hoặc giá quá cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Nguồn cung thay thế đang ảnh hưởng đến giá thành
Để giải bài toán thiếu hụt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã phải tính đủ giải pháp để "co kéo" thời gian giao hàng, hoặc hợp tác san sẻ nguyên liệu với các doanh nghiệp khác.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trước mắt, doanh nghiệp có thể chuyển hướng mua nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc trong nước và chấp nhận trả giá cao hơn, thương lượng với đối tác để giao hàng chậm.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, việc thay thế nguồn cung nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Thái Lan, Hàn Quốc thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã được các doanh nghiệp tính đến, nhưng chỉ có các thương hiệu lớn mới làm được điều này, vì chi phí sẽ tăng cao.
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn (Thanh Hóa) cho biết:
“Chúng tôi cũng đang rất linh hoạt tìm kiếm đối tác trong nước, các thị trường ngoài Trung Quốc nhưng chỉ được 20%, vẫn bị thiếu hụt ít nhất 30%. Chúng tôi đang đàm phán với khách hàng kéo giãn thời gian, cung ứng nguyên phụ liệu của 1 số nước khác” – ông Trịnh Xuân Lâm cho hay.
Đối với ngành gỗ cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Ông Nguyễn Xuân Thụy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh (Công ty Liên Khanh), chuyên cung ứng gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ nội thất ở Đồng Nai cho hay, doanh nghiệp đã phải chủ động nguồn nguyên liệu dự trữ từ nhiều tháng trước.
Theo VITAS, ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do...