A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển ngành quản lý quỹ, khơi thông kênh dẫn vốn cho nền kinh tế

Quy mô ngành quản lý quỹ tại Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện pháp lý, nâng cao năng lực quản lý và cho phép ngân hàng phân phối chứng chỉ quỹ để phát huy vai trò dẫn vốn của các quỹ đầu tư tại Việt Nam.

Quỹ đầu tư đứng trước cơ hội trở thành trụ cột quan trọng dẫn vốn cho nền kinh tế

Quy mô ngành quản lý quỹ ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/7, bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank cho biết, tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị tài sản được quản lý trong ngành chỉ tương đương khoảng 7% GDP.

Đáng chú ý, gần 90% trong số này đến từ các hợp đồng ủy thác đầu tư, chủ yếu từ các công ty bảo hiểm và được phân bổ vào trái phiếu, tiền gửi. Riêng với các sản phẩm quỹ đầu tư đại chúng, đặc biệt là quỹ mở, dù đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, với giá trị quỹ mở tăng gấp đôi lên khoảng 53.000 tỷ đồng và thu hút gần 400.000 nhà đầu tư, nhưng quy mô vẫn còn rất nhỏ, chưa đến 1% GDP.

Trong khi đó, Trung Quốc, dù chỉ phát triển lĩnh vực quản lý quỹ sớm hơn Việt Nam khoảng một thập kỷ, đã đạt tỷ lệ tài sản quỹ tương đương gần 21% GDP. Tương tự, Ấn Độ, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam, cũng đã đạt mức gần 18% GDP. Tại Mỹ, con số này thậm chí lên tới 133% GDP.

“Một thực tế đáng buồn tại Việt Nam là trong khi nguồn vốn trong dân rất dồi dào, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng kênh dẫn vốn chủ yếu giữa người dân và doanh nghiệp chỉ là qua hệ thống ngân hàng. Trong điều kiện lãi suất ngân hàng ngày càng thấp, người dân tiếp tục tìm kiếm các khoản đầu tư trong vàng, bất động sản hay ngoại tệ. Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân có thể được huy động cho doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư đươc quản lý chuyên nghiệp mà không phải qua hệ thống ngân hàng. Điều này không những cải thiện lợi nhuận cho nhà đầu tư mà còn giảm gánh nặng lên hệ thống ngân hàng, đặc biệt khi tín dụng/GDP đã đạt mức cao khoảng 134%. Vì vậy, quỹ đầu tư nên được Chính phủ cân nhắc như một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, bổ sung cho hệ thống ngân hàng”, bà Nga chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc UOBAM cũng cho rằng ngành quản lý quỹ tại Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, đặc biệt ở mảng quản lý tài sản. Trong 10 năm qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho lĩnh vực quản lý quỹ và tài sản.

Phát triển thị trường quỹ mở song hành cùng nâng hạng thị trường

Theo bà Vương Vân Anh, Giám đốc bộ phận Chiến lược và Phát triển doanh nghiệp - CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital, các thị trường được nâng hạng thành công đều có mẫu số chung. Ngoài cộng đồng đầu tư cá nhân phát triển theo hướng chuyên nghiệp là sự mở rộng nhanh chóng của các sản phẩm đầu tư quỹ mở. Việc mở rộng đầu tư qua quỹ không chỉ giúp ổn định dòng vốn, mà còn tạo ra "đường dẫn" để nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách có hệ thống và dài hạn.

Để thúc đẩy ngành quản lý quỹ tại Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội cho rằng, cần đồng thời thúc đẩy cả phía cung và cầu. Về phía cầu, cần có các chính sách kích thích như ưu đãi thuế, đồng thời tăng sức hấp dẫn cho quỹ thông qua việc đa dạng hóa các loại hình quỹ và sản phẩm đầu tư.

Về phía cung, điều quan trọng là tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các quỹ. Theo ông Hiếu, có ba việc cần làm: nghiên cứu và rà soát lại các rào cản gia nhập thị trường; hoàn thiện khung thể chế ở cấp cao hơn, đặc biệt về quy định báo cáo và minh bạch thông tin; đa dạng hóa hoạt động và sản phẩm của các quỹ nhằm gia tăng sức ép cạnh tranh và mở rộng lựa chọn cho nhà đầu tư.

“Xét giữa cung và cầu, tôi cho rằng nên bắt đầu từ phía cung. Khi hệ thống cung vận hành tốt, sản phẩm tốt sẽ tự nhiên thu hút được nhà đầu tư – những người tiêu dùng ngày càng thông minh và chọn lọc. Việc cấp thiết lúc này là rà soát lại các quy định pháp lý liên quan đến điều kiện gia nhập ngành của các quỹ, đồng thời chuẩn hóa các yêu cầu về hoạt động quỹ như tiêu chuẩn, tiêu chí báo cáo và giám sát tài chính. Về phía cầu, một nhiệm vụ quan trọng là phát triển thị trường quản lý tài sản cá nhân – nền tảng để tạo ra lực cầu bền vững và chuyên nghiệp cho các quỹ đầu tư.”, ông Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga đề xuất cần cho phép ngân hàng được cung cấp dịch vụ quản lý gia sản và chính thức phân phối chứng chỉ quỹ.

“Khi người dân đầu tư vào quỹ, ngân hàng giảm gánh nặng nhận tiền gửi và cho vay nền kinh tế. Tức là khi tư vấn cho người dân đầu tư vào quỹ, rủi ro của hệ thống ngân hàng được giảm bớt chứ không phải tăng lên. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, ngân hàng thương mại chưa được chính thức phân phối chứng chỉ quỹ trong khi ngân hàng là kênh phân phối chủ yếu sản phẩm chứng chỉ quỹ ở nhiều nước trên thế giới”, bà Hằng Nga phân tích.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ cũng cho rằng, các ngân hàng nên được phép tham gia phân phối chứng chỉ quỹ, bao gồm cả các sản phẩm liên quan đến quản lý tài sản cá nhân. "Thực tiễn quốc tế cho thấy, việc cho phép ngân hàng tham gia phân phối sản phẩm quỹ đã mang lại bước đột phá cho ngành quản lý tài sản, như trường hợp tại Thái Lan. Ngoài ngân hàng, các công ty chứng khoán cũng là kênh phân phối tiềm năng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các kênh này vẫn chưa phát huy hết lợi thế, đặc biệt là tiềm năng lớn từ hệ thống dữ liệu khách hàng sẵn có”, bà Lệ phân tích.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng để thúc đẩy ngành quỹ là tạo ra sân chơi mở, minh bạch, công bằng, để cho tất cả người chơi có năng lực tham gia cạnh tranh. Nhờ đó, mới nâng cao được chất lượng của ngành quản lý quỹ. Nền tảng của thị trường quản lý quỹ là các công ty quản lý quỹ, được cấp phép đầu tư và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Cứ sản phẩm nào có hiệu quả, lợi nhuận cao thì sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng lợi nhuận và hiệu quả là tương quan với khẩu vị rủi ro.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin: “Chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện đề án tái cấu trúc nhà đầu tư để trình Bộ Tài chính. Đề án này bao gồm nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó tập trung vào việc xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của các quỹ đầu tư, đặc biệt là về danh mục và giới hạn đầu tư. Một nội dung quan trọng khác là thiết kế các loại hình quỹ mới, cùng với việc xây dựng các chỉ số đầu tư phù hợp nhằm tạo cơ sở cho hoạt động quản lý và đo lường hiệu quả đầu tư. Đề án cũng đề cập đến việc nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ. Hiện nay có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, tuy nhiên số lượng các quỹ thực sự triển khai hoạt động đầu tư và vận hành danh mục một cách hiệu quả không nhiều”.

Thực tế cho thấy nhiều quỹ có cơ cấu nhà đầu tư góp vốn chưa phù hợp, thiếu vắng các định chế tài chính cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm điều hành. Đây là một trong những nút thắt lớn cần được giải quyết trong quá trình tái cấu trúc nhà đầu tư, nhằm phát triển thị trường quỹ đầu tư một cách bền vững và hiệu quả hơn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật