A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thép Nam Kim báo lãi sau thuế quý I đạt 65 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ

Quý I/2025, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 4.090 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 23% và 56% so với cùng kỳ năm 2024.

 

nam-kim.png

Công ty CP Thép Nam Kim (mã NKG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu đạt 4.090 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2024. Giá vốn giảm chậm hơn (giảm gần 19%) khiến lợi nhuận gộp giảm 53,6% so với cùng kỳ, xuống 263 tỷ đồng, biên lãi gộp thu hẹp về mức 6,4%, cùng kỳ là 10,7%.

Doanh thu tài chính của công ty cũng giảm 29% so với cùng kỳ, về mức 46,6 tỷ đồng.

Dù các chi phí khác đều giảm mạnh (chi phí tài chính giảm 47% về 64 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 53% còn 138 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm gần 7% về 30 tỷ đồng) và có thêm khoản lợi nhuận khác hơn 4,3 tỷ đồng, song không thể bù đắp lại mức sụt giảm của lợi nhuận gộp.

Kết quả, Thép Nam Kim báo lãi trước thuế và sau thuế quý I lần lượt đạt 81 tỷ đồng và 65 tỷ đồng, tương ứng giảm 57% và 56% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận cao nhất 3 quý gần đây của doanh nghiệp thép này.

Năm 2025, Thép Nam Kim đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với mức thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 440 tỷ đồng, giảm 21,1%. Như vậy sau quý đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 18% kế hoạch doanh thu và 18,4% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Báo cáo tài chính của Thép Nam Kim cho thấy, trong quý đầu năm, doanh thu xuất khẩu đã giảm mạnh 43% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2.125 tỷ đồng, trong khi doanh thu thị trường nội địa tăng hơn 23%, lên 1.983 tỷ đồng.

Doanh thu xuất khẩu của Thép Nam Kim giảm trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng trên toàn cầu. Gần đây nhất, vào ngày 4/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với tôn mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả điều tra sơ bộ này, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng với Nam Kim là 49,42%. Trước đó, các sản phẩm tôn mạ của công ty đã phải chịu mức thuế 25% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, lãnh đạo Thép Nam Kim cho biết sản lượng xuất khẩu đi Mỹ chỉ chiếm 10% trong năm 2024 và trên thực tế công ty đã dừng xuất khẩu đi Mỹ từ tháng 9/2024. Theo lãnh đạo Nam Kim mức thuế sơ bộ mới công bố khá bất lợi và công ty đánh giá việc xuất khẩu đi thị trường Mỹ rất khó khăn.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, ban lãnh đạo Thép Nam Kim vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 4.500 tỷ đồng sau khi công ty vừa huy động thành công gần 1.600 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu.

Theo thiết kế, dự án có tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm, gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm; 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm và dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.

Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Thép Nam Kim cho biết, nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2026 và sẽ tập trung vào thị trường nội địa và hướng tới phát triển các sản phẩm chất lượng cao mà Việt Nam chưa làm được.

Ngoài ra, vào giữa tháng 4, công ty cũng vừa công bố nghị quyết thông qua chủ trương tái đầu tư dự án Nhà máy Ống thép do công ty trực thuộc là Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai làm chủ đầu tư.

Dự án đặt tại khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp tỉnh Quảng Nam. Tổng công suất dự kiến 150.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng.

Việc Nam Kim tái khởi động lại dự án ống thép tại Chu Lai không loại trừ khả năng cũng là nhằm mục đích hướng sự tập trung vào thị trường nội địa tương tự như định hướng của nhiều doanh nghiệp thép khác trong giai đoạn căng thẳng thương mại toàn cầu. Vào thời điểm năm 2019 khi khởi động dự án, chủ trương của doanh nghiệp thép này là nhắm tới thị trường miền Trung và miền Bắc.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật