A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Cơ cấu thị trường đang có sự thay đổi rõ rệt

Mỹ với thị phần 21,1%, Trung Quốc với thị phần 17,6% và Nhật Bản với thị phần 7,2%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam

6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 15%

Thông tin tại họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) sáng 3/7, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2025 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng tích cực.

thu-truong-phung-duc-tien.jpg

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến

Riêng về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% (vượt xa giá trị thặng dư chung là 4 tỷ USD- PV) cho thấy sức cạnh tranh ngày càng tăng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,46 tỷ USD, tăng 17,8%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD, tăng 10,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,16 tỷ USD, tăng 16,9%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 8,82 tỷ USD, tăng 9,3%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 5,7 triệu USD, tăng 2,4 lần….

Một số mặt hàng xuất khẩu chính tăng trong 6 tháng đâu năm là: Cà phê đạt 953,9 nghìn tấn và 5,45 tỷ USD, tăng 5,3% về khối lượng và tăng 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024; Cao su đạt 680,1 nghìn tấn và 1,27 tỷ USD, giảm 6,5% về khối lượng và tăng 14,4% về giá trị; Hạt điều đạt 346,8 nghìn tấn và 2,36 tỷ USD, giảm 2,7% về khối lượng nhưng tăng 20,4% về giá trị; Tiêu đạt 124,9 nghìn tấn và 859,6 triệu USD, giảm 12,4% về khối lượng nhưng tăng 35,7% về giá trị; Chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD, tăng 10,1%; Thủy sản đạt 5,16 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2024; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024…

Trong đó, riêng mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%.

Mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD có khả thi?

Báo cáo của Bộ NN&MT cho biết, xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%. 2 thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 15,6%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 3,2% và 1,2%.

So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 sang khu vực châu Á tăng 2,3%; châu Mỹ tăng 18,7%; châu Âu tăng 46,3%; châu Phi tăng 99,5% và châu Đại Dương tăng 2,7%.

Xét theo thị trường chi tiết, Mỹ với thị phần 21,1%, Trung Quốc với thị phần 17,6%, và Nhật Bản với thị phần 7,2%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 16%, Trung Quốc giảm 0,7%, và Nhật Bản tăng 25,5%.

hop-bao-thang-6-bo-nong-nghiep-va-moi-truong.jpg

Quang cảnh buổi họp báo

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chuyển biến tích cực trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 là cơ cấu thị trường xuất khẩu đang có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc tương đương nhau, lần lượt chiếm 21,8% và 21,6%, thì 6 tháng đầu năm nay, Mỹ đạt 7,14 tỷ USD (21,1%), trong khi Trung Quốc giảm còn 5,94 tỷ USD (17,6%). Nhật Bản đạt 2,44 tỷ USD (7,2%),

“Diễn biến này đòi hỏi điều chỉnh chiến lược xúc tiến và mở rộng thị trường phù hợp. Riêng với các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, trái cây, cá tra và tôm, Bộ đang tích cực xúc tiến để mở rộng thị trường, gần nhất là thỏa thuận với Brazil về thịt bò và triển vọng xuất khẩu cá tra, cà phê, lúa sang thị trường tiềm năng này…”, Thứ trưởng thông tin.

Theo Thứ trưởng Tiến, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 4% với kim ngạch xuất khẩu từ 64 - 65 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ này, mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn khả thi, chưa kể thông thường những tháng cuối năm tăng trưởng xuất khẩu thường rất cao.

Nhận định về tác động của thuế đối ứng của Mỹ đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, ông Trân Gia Long, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ NN&MT) cho biết, ngay từ đầu năm để xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, Bộ đã đưa ra 3 kịch bản tương ứng với 3 mức thuế đối ứng của Mỹ: 10%, 20% và 46%.

Với kịch bản 1, mức thuế 10%, nếu áp dụng từ ngày 9/7, thì 6 tháng cuối năm cơ bản kim ngạch xuất khẩu không bị ảnh hưởng nhiều, tăng trưởng toàn ngành vẫn ở mức 4%

Với kịch bản 2, mức thuế 20%, dự kiến kim ngạch xuất khẩu giảm 20% tương ứng với mức giảm 6,2- 6,5 tỷ USD. Tăng trưởng toàn ngành cũng dự kiếm giảm 0,12- 0,15 % .

Với kịch bản 3, mức thuế 46%, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 12,3 tỷ USD.

Tại buổi họp báo, đại diện các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng theo dõi diễn biến cũng như nắm bắt các mức thuế chính thức đươc công bố áp dụng để tính toán và đưa ra các giải pháp hạn chế tác động.

Bên cạnh việc gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, kiên định nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, bảo đảm yếu tố công bằng xã hội và hiệu quả kinh tế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật