Nghịch lý thị trường bất động sản: Thiếu trầm trọng nhà ở giá rẻ, dư thừa nhà ở cao cấp
Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu do thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung “nhà ở có giá phù hợp với thu nhập” và “nhà ở xã hội”, nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng.
Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM trong báo cáo gửi Thủ tướng đánh giá đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, xu hướng năm 2022.
Theo đánh giá của HoREA, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung-cầu do thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung “nhà ở có giá phù hợp với thu nhập” và “nhà ở xã hội” chưa đáp ứng được nhu cầu tạo lập nhà ở, thuê nhà ở rất lớn của đa số người dân thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người nhập cư, nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng.
Cụ thể, từ năm 2020, căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đã không còn căn hộ bình dân (0%), ngược lại có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%, còn lại là nhà ở trung cấp, chiếm 26,02% tại thị trường TP.HCM.
Đáng lưu ý là tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội như Bộ Xây dựng đã báo cáo trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch; TP.HCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, trong năm 2022 cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển mạnh mẽ “nhà ở có giá phù hợp với thu nhập” và “nhà ở xã hội” để cân bằng thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Hiệp hội cũng cho biết “sốt ảo" giá đất đi đôi với hoạt động “đầu cơ” nhà, đất đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm. Do đó, cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các đầu nậu, cò đất, cò nhà, doanh nghiệp “bất lương” để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực.
Trong năm 2022, HoREA cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng Quốc hội sẽ tạo chuyển biến bước ngoặt trong công tác xây dựng pháp luật, sẽ xem xét các Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Đề án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đề án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về quy hoạch cùng với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước đây.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách và hoạt động điều hành thị trường tín dụng, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, nhất là việc thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ tác động rất lớn, trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của thị trường bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp.
"Thị trường bất động sản năm 2022 có xu thế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trên tất cả các phân khúc thị trường, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại nhà ở có giá phù hợp với thu nhập", HoREA nhận định.
Hiệp hội dự báo phân khúc “nhà ở xã hội”, “nhà ở, phòng trọ cho công nhân lao động thuê” và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ sẽ có sự tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022.
Phân khúc thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ có sự tái cấu trúc theo hướng nâng cao chất lượng, dịch vụ, tiện ích để phát triển bền vững và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, các dự án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng quốc gia, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tuyến cao tốc nối TP.HCM đến Cà Mau và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và các tuyến đường vành đai thủ đô Hà Nội, TP.HCM tạo điều kiện để phát triển kinh tế, phát triển đô thị, các khu dân cư mới và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản hơn nữa kể từ năm 2022. Có thể nói “giao thông, giao thông và giao thông” là nhân tố giữ vai trò quyết định sự bứt phá của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
https://cafef.vn/nghich-ly-thi-truong-bat-dong-san-thieu-tram-trong-nha-o-gia-re-du-thua-nha-o-cao-cap-20220306173921444.chn