Thị trường bất động sản bị “xói mòn” niềm tin, cách nào vực dậy?
Theo những người trong cuộc, mất mát lớn nhất hiện nay của thị trường bất động sản là niềm tin của người mua bị “xói mòn”.
Những chính sách siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao, các thông tin liên quan một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt....đã khiến niềm tin của người mua vào bất động sản bị "xói mòn", thậm chí nhiều người tháo chạy khỏi thị trường.
Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho bên mua, cho thị trường bất động sản.
Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng bán không lợi nhuận các dự án, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý xuống tiền, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường nhưng vẫn rất khó.
“Mất mát lớn nhất hiện nay là các khách hàng, các nhà đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp đang làm mọi cách để khách hàng an tâm quay trở lại xây nhà, sửa nhà, mua nhà”, vị này nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nan, cần giảm lãi suất về mức 5 - 6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại như trước để "kéo" người dân tham gia thị trường. Nếu làm được điều này sẽ thúc đẩy người mua tham gia thị trường.
Ông Lâm dẫn chứng số liệu thống kê về nguồn cung và giao dịch bất động sản tại TP.HCM và vùng phụ cận cho thấy sự sụt giảm "thê thảm". Theo đó, nguồn cung quý 1/2023 giảm mạnh khi đất nền TP.HCM và phụ cận chỉ có khoảng 400 sản phẩm, nhưng tiêu thụ chỉ 78 sản phẩm, giảm đến gần 80% so với cùng kỳ năm 2022 và tập trung chủ yếu vào sản phẩm pháp lý hoàn chỉnh, an toàn.
Nguồn cung và số lượng giao dịch hạn chế dù các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.
Trong khi đó, hiện nay thị trường đang lệch pha cung cầu khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà bình dân ít, thậm chí tuyệt chủng. Đối với thị trường bất động sản du lịch cũng không ngoại lệ khi giao dịch gần như "đóng băng". Dù mục tiêu đề ra trong năm 2022 tăng trưởng khách quốc tế khoảng 8 triệu du khách nhưng chỉ đạt gần 4 triệu.
Ông Lâm cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là củng cố niềm tin cho bên mua. Trước đây, có gói 30.000 tỉ đồng đã ngay lập tức rõ ràng, rất đơn giản và lãi suất thấp nên khi đó đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra cả thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng. Trong khi đó, hiện nay Ngân hàng nhà nước đang "tung" gói 120.000 tỉ đồng nhưng không ăn thua vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm.
“Hiện hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Do vậy, cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động, nhất là kích cầu tiêu dùng. Cần gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thị trường. Ngoài ra cần có chính sách để các doanh nghiệp hiện đang tồn tại phát triển bền vững, bởi đây là những doanh nghiệp có năng lực”, ông Phạm Lâm đề xuất.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Thăng Long Real Group nhấn mạnh, cần có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Với mức lãi suất ổn định như những năm trước từ 9-10%, người mua mới trở lại thị trường, doanh nghiệp cũng khơi thông được dòng tiền.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành kiến nghị phải xem xét đánh thuế đầu cơ bất động sản. Đồng thời, tập trung tập trung gỡ vướng pháp lý, Chính phủ có thể tạm thời ban hành văn bản gỡ vướng cho một số dự án trong khi về lâu dài chờ sửa các luật liên quan. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Vị này cũng đưa ra kiến nghị liên quan đến nhiều dự án có nguồn gốc từ đất công. Theo ông Điền, Chính phủ cần xem xét giao đất cho doanh nghiệp để họ có thể tạo vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thuế cho nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nguồn thu đó sẽ cao hơn nhiều so với tiền thuế sử dụng đất.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản lớn phải tự tái cơ cấu trước để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Về vốn, trái phiếu, tín dụng, các giải pháp hiện nay đang theo hướng gỡ. Tuy nhiên, theo ông Lịch, phải có quan điểm không thể sửa luật kiểu như hiện nay mà phải sửa toàn bộ hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản từ khi bắt đầu dự án cho tới triển khai.