A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Miếng bánh” livestream bán hàng còn "ngọt"?

Cơn sốt bán hàng livestream đang phủ sóng khắp nơi, hấp dẫn nhiều người vì những con số doanh thu choáng ngợp và sự hào nhoáng mà nó mang lại. Nhưng “miếng bánh” livestream bán hàng có thực sự ngọt ngào, đặc biệt là khi cơ quan thuế siết chặt truy thu thuế?

Đằng sau những phiên livestream bạc tỷ

Livestream là hình thức mua sắm hấp dẫn và tiềm năng, xóa bỏ nhiều rào cản khi mua hàng trực tiếp, tiếp cận được số lượng khách hàng khổng lồ từ nền tảng. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia. Trong các phiên livestream thường có tổ chức, cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng từ livestream bán hàng. Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream mang về doanh thu hàng chục, tới hàng trăm tỷ đã tạo sức hút cho công việc này.

100% cá nhân, tổ chức bán hàng livestream sẽ bị rà soát nghĩa vụ nộp thuế.

100% cá nhân, tổ chức bán hàng livestream sẽ bị rà soát nghĩa vụ nộp thuế.

Giám đốc Kinh doanh Vitamin Network - đối tác chiến lược chính thức của TikTok tại Việt Nam Trần Tú Quyên cho biết, livestream mang lại thu nhập cao nhưng không phải ai cũng có thể thành công. Thu nhập của một nhà bán hàng bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử chủ yếu đến từ 2 nguồn: chi phí booking (đặt hàng) của nhãn hàng và tiền hoa hồng dựa trên những sản phẩm mà nhà bán hàng đó bán thành công.

Tuy nhiên, chi phí để tổ chức một buổi livestream quy mô không hề nhỏ. Đằng sau thành công của những phiên livestream bạc tỷ là quá trình chuẩn bị của cả một ekip, từ kết nối với nhãn hàng, lựa chọn sản phẩm, quay quảng cáo, lên ý tưởng, bối cảnh, đến những kế hoạch truyền thông, quảng bá thu hút người xem.

Có rất nhiều yếu tố quyết định thành công của một phiên livestream, mang về doanh thu tiền tỷ như  truyền thông trước sự kiện, lựa chọn nhãn hàng, sản phẩm, sự hỗ trợ từ chính TikTok Shop, kỹ năng livestream cũng như sự kết hợp ekip. “Buổi live quy mô càng lớn thì số tiền đầu tư càng nhiều. Trong khi, doanh số bán hàng kết thúc phiên live không phải con số cuối cùng, bởi sau đó, nhà bán hàng còn phải trừ đi những đơn hàng bị hoàn, hủy thì mới ra được con số chính xác. Trung bình, tỷ lệ hoàn, hủy của các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là 20-30% tùy từng ngành hàng” - bà Trần Tú Quyên cho hay.

Cũng theo đuổi con đường livestream bán hàng, chị Phạm Thị Ánh Thư đầu tư tham gia hàng chục khóa học đào tạo kỹ năng livestream, kỹ năng bán hàng, công nghệ... với chi phí lên tới cả chục triệu đồng.

Sau gần 1 năm vừa học vừa thực hành, chị Thư cho biết, không phải cứ bán qua livestream sẽ thu về lợi nhuận như mong muốn. Để có những phiên live tiền tỷ thực sự rất khó, tỷ lệ chốt đơn hàng thực tế tầm 10-15% lượng người xem đã là thành công. Những người có doanh số chốt đơn cao đều mất nhiều thời gian xây dựng thương hiệu, tên tuổi. Mặt khác, có rất nhiều khó khăn mà những nhà bán hàng phải đối diện khi chấp nhận dấn thân vào công việc này, như thường xuyên thức đêm làm việc với tần suất lớn, đối diện áp lực từ dư luận, từ nhãn hàng và đôi khi là cả từ nền tảng.

Bên cạnh đó, những người bán hàng livestream còn phải đóng mức thuế khá cao. Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livestream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất từ 5 - 35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Rà soát nghĩa vụ thuế 100% người livestream bán hàng

Trong một khoảng thời gian dài, mảng kinh doanh online được xem là “miếng bánh béo bở” cũng bởi dễ “qua mặt” cơ quan thuế bằng nhiều chiêu trò tinh vi. Ngành thuế thất thu lớn từ mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành thuế đã đẩy mạnh việc truy thu thuế kinh doanh online bằng nhiều biện pháp cứng rắn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành thuế đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Kết quả, chỉ trong nửa đầu năm 2024, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân liên quan đã được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng. Nhiều cá nhân bán hàng online bất ngờ khi bị truy thu thuế. Đáng nói, nhiều trường hợp số thuế phải nộp cao hơn biên lợi nhuận thu về.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi cục thuế các địa phương, yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok... Qua đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro.

Khi được yêu cầu, các đối tượng trên sẽ phải phối hợp chặt với các cơ quan chức năng; ngành thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.

Đồng thời, cục thuế các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với nhau, triển khai đồng bộ giải pháp để tăng cường quản lý đối với nhóm cá nhân, tổ chức có thu nhập cao qua bán hàng từ livestream.

Yêu cầu rà soát được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh siết quản lý với thương mại điện tử nhằm tránh thất thu thuế. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng đã bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kiểm tra toàn diện việc kê khai và nộp thuế của hoạt động tiếp thị liên kết, livestream bán hàng trực tuyến là cần thiết. Thực tế, nhiều cá nhân livestream bán hàng có doanh thu rất lớn nhưng chưa nắm được nghĩa vụ thuế của mình. Do đó việc đăng ký, kê khai và nộp thuế chưa kịp thời. Nhưng cũng có nhiều cá nhân cố tình dùng chiêu trò né thuế.

“Khi cơ quan thuế vào cuộc rà soát truy thu thuế, cá nhân livestream bán hàng sẽ phải thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình, không còn cơ hội trốn thuế, đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn của livestream cũng sẽ giảm theo” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, các cá nhân kinh doanh cần đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nghiêm túc, nếu trốn thuế 100 triệu đồng trở lên sẽ vướng vào lao lý. Người kinh doanh có mã số thuế nên chủ động kê khai tự tính và tự nộp. Những hộ kinh doanh lớn nên chuyển đổi lên doanh nghiệp để đăng ký kê khai và nộp thuế cho thuận lợi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan