Các ngân hàng lớn nhất nước Nga bị thổi bay gần 80% vốn hóa
Các lệnh trừng phạt sau từ phương Tây đã khiến các định chế tài chính Nga chịu nhiều đợt "rung lắc" mạnh, các ngân hàng lớn này chính là một trong những nạn nhân đầu tiên.
Sáng 28/02, sau khi phương Tây quyết định gia tăng các lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính của Nga, Ngân hàng Trung ương Nga đã yêu cầu sở giao dịch chứng khoán Matxcơva đóng cửa và ngăn chặn việc bán tháo các tài sản.
Tuy nhiên ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank, đang niêm yết trên sở giao dịch London lại không nằm trong "chiếc ô tránh gió" này. Chỉ trong sáng ngày thứ Hai, sau khi các lệnh trừng phạt được công bố, ngân hàng này đã mất gần 80% vốn hóa.
Theo các dữ liệu của Bloomberg, các chứng chỉ lưu ký của ngân hàng này được giao dịch tại London đã giảm 77% vào sáng thứ hai. Các cổ phiếu của ngân hàng này cũng giảm hơn 90% giá trị khi rơi từ 16,09 USD về mức 1,6 USD trong cùng ngày.
Một ngân hàng lớn khác của Nga là Tinkoff cũng chứng kiến việc mất hơn 80% vốn hóa ngay trong buổi sáng đầu tuần.
Theo các thống kê từ Ngân hàng Trung Ương Nga, tính đến tháng 1/2022, nước này có khoảng 333 ngân hàng đang hoạt động. Có hơn 2/3 trong số này có vốn hóa trên 1 tỷ rúp, khối này cũng đồng thời nắm giữ hơn 95% tài sản của hệ thống ngân hàng. Tài sản của các ngân hàng ở Nga được ước tính tương đương khoảng 90% GDP của nước này.
Các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ và các đồng minh tăng cường trừng phạt Nga, đặc biệt là những lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính và đưa ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống SWIFT chính là nhân tố chính tác động lên việc các chứng khoán bị bán tháo.
Theo Peter Garnry, trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán tại Saxo Bank, "Thị trường giao dịch các tài sản đã bị sốc bởi một đợt trừng phạt quy mô lớn vào cuối tuần qua." Ông này cũng cho rằng, "các lệnh trừng phạt mới sẽ gây tổn thất nặng nề cho hệ thống tài chính của nước Nga".
Ở quy mô quốc gia, đồng rúp Nga đã mất hơn 30% giá trị sau khi phương tây tăng cường áp đặt các lệnh trừng phạt.
(Theo Market Insider)