Nguyên nhân các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm
Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6.
Riêng trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận khoảng 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động với nhiều nhà băng điều chỉnh lãi suất 2 – 3 lần. Và ngay đầu tháng 7, một loạt ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Eximbank, NCB, SeABank, BaoVietBank, Saigonbank. Đáng chú ý, có nhà băng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của NHNN.
KBSV cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 – 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.
Trong đó, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá. Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm NHTM tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối 2024 trước những động lực chính bao gồm: (1) Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; (2) Sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; và (3) Thị trường BĐS khởi sắc.
Trên thực tế, tín dụng trong quý 2 đã ghi nhận sự cải thiện, tính đến ngày 24/6 đạt 4,45% (xét riêng quý 2 tín dụng tăng thêm 4,2 điểm % so với quý 1, cao hơn hẳn mức tăng của quý 2 cùng kỳ 2023 ở mức 2,1 điểm %), chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm BĐS và cho vay phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong báo cáo chiến lược tháng 7 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, lãi suất huy động đã trải qua một đợt phục hồi từ vùng đáy, bình quân tăng khoảng 0,3 – 0,5 điểm % so với cuối tháng 3/2024. Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn thấp hơn khoảng 0,15 - 0,45 điểm % so với cuối năm ngoái.
VDSC cho rằng lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng của tỷ giá và chính sách lãi suất.
Về yếu tố tỷ giá, nhóm phân tích đánh giá áp lực về tỷ giá còn dai dẳng. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi (1) chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Fed cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các NHTW khác, (2) nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed, và (3) rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn. Thêm vào đó, do yếu tố vụ mùa, nhu cầu ngoại tệ (để nhập khẩu hàng hóa) có thể tăng cao trở lại vào cuối quý 3, trước khi FED chính thức đảo chiều chính sách lãi suất, khiến áp lực tỷ giá vẫn sẽ kéo dài trong giai đoạn này.
Trong khi đó, sau 10 tuần liên tiếp thực hiện bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (từ 22/4), ước tính NHNN đã bán ra lượng ngoại tệ tương đương khoảng 30% mức tiêu hao (cho vấn đề tỷ giá) của năm 2022. Cho giai đoạn sắp tới, trong kịch bản vừa để bảo vệ dự trữ ngoại hối, đồng thời ổn định được vấn đề tỷ giá, VDSC không loại trừ khả năng NHNN sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành (0,2 – 0,5 điểm %) trong quý 3
Mặt khác, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay cũng là một điểm cần lưu ý. Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 4,45% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, VDSC cho rằng tín dụng sẽ phục hồi mạnh dần về cuối năm.
"Điều này cộng hưởng với lượng tiền hút ròng qua kênh bán ngoại tệ có thể tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất trong nửa sau năm 2024", nhóm phân tích nhìn nhận.
Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "shock" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy, VDSC dự báo mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,5 – 1,0 điểm % để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý.
Quốc Thụy
An ninh Tiền tệ