Vì sao ngân hàng thừa thanh khoản nhưng nền kinh tế vẫn "khát tiền"?
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm của tăng trưởng cung tiền và vòng quay tiền tệ khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thương mại dư thừa.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - đã đưa ra một nhận định đáng chú ý về tình trạng suy kiệt thanh khoản của nền kinh tế.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (3%) ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1 (theo tính toán của ông Nghĩa là 0,64%). Điều này khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thương mại dư thừa.
“Lạm phát và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng cung tiền chứ không phải tín dụng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Gợi mở về giải pháp, vị chuyên gia này cho rằng cần quan tâm đến điều kiện cấp tín dụng. Theo ông Nghĩa vào giai đoạn khủng hoảng, các nước đều "lùi" yêu cầu về tài sản thế chấp và tập trung vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, muốn vay phải có tài sản đảm bảo.
"Chúng tôi đang đề nghị các ngân hàng thương mại đặc biệt là các ngân hàng lớn nhìn vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp để cấp tín dụng. Từ đó, lấy lại lòng tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản", TS Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Thực tế, tình trạng tăng trưởng cung tiền và vòng quay tiền thấp kỷ lục cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến trong các phân tích gần đây. Tính đến 20/6/2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19, thậm chí trong giai đoạn đỉnh điểm dịch Covid (6 tháng đầu năm 2020 – 2021) cung tiền còn tăng trưởng lần lượt 3,48% và 4,59%
Trong tọa đàm do Báo Chính phủ tổ chức vừa qua, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng nhấn mạnh đến sự sụt giảm của tăng trưởng cung tiền và vòng quay tiền tệ.
Theo cập nhật của vị chuyên gia này, đến ngày 30/6 thì cung tiền M2 mới chỉ tăng được 2,7%, thấp hơn so nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.
Chỉ số thứ hai được TS.Cấn Văn Lực đặc biệt lưu ý là vòng quay tiền tệ. “Vòng quay tiền hiện nay của chúng ta 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát”, TS. Cấn Văn Lực nói tại tọa đàm trên.
Về lý thuyết, vòng quay tiền tệ là số lần một đơn vị tiền tệ trong lưu thông bình quân thực hiện mua bán chi trả dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Hiểu đơn giản, 100 đồng tiền lương vừa về tài khoản sẽ được dùng để thanh toán hóa đơn, tiêu dùng. Những đối tượng được thanh toán sẽ tiếp tục sử dụng 100 đồng này để chi trả cho các nhu cầu cuộc sống. Sự phân tán này càng nhanh, có nghĩa vòng quay tiền tệ càng lớn. Một nền kinh tế vận động tốt và hiệu quả thường có có tốc độ luân chuyển tiền tệ nhanh, vòng quay tiền lớn.
Bên cạnh vòng quay tiền tệ, số nhân tiền tệ mở rộng cũng là một yếu tố cần được chú ý khi đánh giá khả năng tạo tiền của nền kinh tế. Nói dễ hiểu, từ 100 đồng gửi vào ngân hàng, sau khi trừ giả sử 10% dự trữ, 90 đồng còn lại ngân hàng có thể cho vay ra nền kinh tế; 90 đồng này sau khi được người dân, doanh nghiệp vay để thanh toán, chi trả sẽ có thể tiếp tục trở lại ngân hàng dạng tiền gửi; ngân hàng nối tiếp đó lại cho vay ra nền kinh tế 81 đồng;…
Như vậy, trong trường hợp các ngân hàng khó cho vay, hệ số nhân tiền sẽ giảm xuống và khả năng tạo tiền sẽ bị thu hẹp. Thực tế, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay rất thấp 4,73%, chỉ bằng khoảng nửa tốc độ năm trước. Số nhân tiền tệ theo đó cũng giảm thiểu sức mở rộng.
Tại buổi báo chí tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 4/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết: Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dư thừa tuy nhiên tiền thì không hẳn như vậy.
Theo ông Tú, nguyên nhân của tình trạng này đến từ tốc độ tín dụng đang rất chậm. “Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, lãi suất chúng ta đã hạ theo thông thường thì tín dụng tăng. Nhưng ở đây rõ ràng đang xảy ra tình trạng, tăng trưởng tín dụng chậm, trong khi lãi suất lại giảm nhanh", Phó Thống đốc NHNN nêu vấn đề.
Từ góc độ quản lý, điều hành cũng như thực tế của nền kinh tế, ông Tú nêu ra ba nguyên nhân chính để giải thích cho nghịch lý trên.
Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp.
Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
“Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh”, ông Tú cho biết.
Quang Hưng
Nhịp sống thị trường