A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cá tra, tôm nín thở chờ giá lên

Cá tra và tôm đem lại kim ngạch xuất khẩu rất cao cho Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá của 2 mặt hàng đều giảm mạnh khiến người nuôi lao đao.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 1 đến tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước chỉ đạt 422 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá tra, tôm nín thở chờ giá lên - Ảnh 1.

Nông dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang gặp khó khăn vì giá cá tra vẫn nằm im ở mức thấp trong nhiều tháng qua. Ảnh: VĨNH KỲ

Khó khăn tứ bề

Đáng chú ý, 3 trong 6 thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là Mỹ (giảm 64%), Brazil (giảm 40%) và Trung Quốc (giảm 22%). Kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước giảm khiến các vùng nuôi lớn như An Giang, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn.

Tại An Giang, ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu cá tra) quý I/2023 đạt 31.760 tấn, tương đương 87 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 2,58% về sản lượng và tăng 2,75% về kim ngạch. Tuy nhiên, đây là sản lượng xuất khẩu đã được các doanh nghiệp (DN) ký kết trước đó khá lâu với giá khá cao. Còn hiện nay, giá cá giảm, cứ nằm im ở mức 27.000 đồng/kg đã khiến DN gặp khó.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết hiện cả 6 thị trường nhập khẩu chính của sản phẩm cá tra Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra của An Giang nói riêng, đều giảm mạnh so với năm ngoái. Điều này phản ánh tình hình kinh tế tại các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá tra đang gặp khó. "Xuất khẩu cá tra giảm mạnh, ngoài khó khăn về kinh tế, đây cũng là thời điểm thị trường đang nghỉ. Theo chu kỳ hằng năm, cứ bước vào các tháng 4, 5, 6 thì kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh do người dân tại các quốc gia nhập khẩu đi du lịch" - ông Lâm giải thích thêm.

Trong khi đó, theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, các hộ nuôi cá tra đang rất lo lắng vì giá cá cứ "neo" 27.000 đồng/kg suốt nhiều tháng liền. "Nhiều hộ chưa bán được cá thì vẫn phải chịu lỗ khi mua thức ăn nuôi cá cầm chừng, còn những hộ đã bán được cá thì đành "treo ao". Cá giống không ai mua, tình hình này thật sự rất khó khăn và cần một chính sách lớn để giải vây" - ông Hiền nói.

Thông thường, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, các DN, nhà phân phối sẽ quay về khai thác thị trường trong nước, đây được xem là một biện pháp khả thi. Song trong khó khăn lần này, do sản lượng nuôi xuất khẩu khá lớn, đạt gần 1,5 triệu tấn, trong khi thị trường nội địa không kham nổi và dễ dẫn đến tình trạng "bể chợ". "Theo tôi, giải pháp lúc này là nhà nước cần tạo điều kiện cho DN vay vốn giá rẻ để tăng cường xây dựng kho chứa, đưa cá vào kho bảo quản, chờ thị trường bình phục để bán cá ra. Tôi xem đây là biện pháp cần thiết để cứu ngành cá tra, vốn đang là thế mạnh của vùng ĐBSCL" - ông Nguyễn Văn Cảnh (ngụ xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), một hộ nuôi cá tra xuất khẩu, kiến nghị.

"Chúng tôi bán cá không được và cũng rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ngân hàng chỉ giải ngân trong điều kiện người nuôi phải có tài sản bảo đảm các khoản vay, từ đó tình hình đã khó nay lại càng khó hơn" - bà Trần Thị Lệ (ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) phản ánh.

Còn ông Trần Đình Dân (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) kiến nghị: "Ngoài việc đi vào quản lý quy hoạch nuôi, chế biến tại các địa phương trong vùng, nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP phát huy được vai trò trong liên kết thông tin, định hướng phát triển ngành hàng cũng như các dự báo về thị trường để đưa ra định hướng hằng năm cho DN lẫn ngư dân. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng thả nuôi nhiều so với nhu cầu tiêu thụ".

Cá tra, tôm nín thở chờ giá lên - Ảnh 2.

Người nuôi tôm công nghiệp mất lợi nhuận vì giá tôm giảm mạnh. Ảnh: VÂN DU

Tăng cường xúc tiến thương mại cho tôm

Sau thời gian làm lúa không đạt hiệu quả do đất nhiễm mặn, năm 2000, nhiều địa phương ở phía Nam của tỉnh Cà Mau đã chuyển dịch sang nuôi tôm. Lão nông Nguyễn Văn Tòng (70 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết khi mới chuyển dịch do không có nhiều kinh nghiệm nên mọi người gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự hướng dẫn của các ngành chức năng và tinh thần tự học hỏi thì người dân đã dần làm chủ được quy trình, công nghệ nuôi.

Kinh nghiệm thực tiễn để có những vụ nuôi thành công đã được người dân chia sẻ với nhau để cùng làm giàu. Con tôm đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhân dân và giúp những vùng quê chuyển mình. "Tôi và nhiều hộ dân lân cận khi chuyển sang nuôi tôm, hiệu quả mang lại rõ rệt, những ngôi nhà tranh vách lá dần được thay thế bằng những căn nhà bê-tông cốt thép khang trang" - ông Tòng nói.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng khiến các hộ nuôi tôm, DN lao đao. Theo VASEP, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 891 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ.

Một DN chuyên xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang châu Âu cho hay đến thời điểm này, công ty vẫn chưa xuất được lô hàng mới nào. "Lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối ở châu Âu còn rất nhiều nên phải đợi họ bán hết rồi mới tính đến chuyện ký kết đơn hàng mới. Hiện giá tôm xuất khẩu bình quân khoảng 10,6 USD/kg, giảm 4,85% so với cùng kỳ" - đại diện một công ty thủy sản ở Cà Mau chia sẻ.

Xuất khẩu gặp khó kéo theo giá tôm nguyên liệu thu mua trong người dân giảm mạnh. Theo một số thương lái tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang thì tôm thẻ loại 30 con/kg hiện được thu mua với giá 123.000 đồng/kg (đầu năm giá khoảng 173.000 đồng), loại 50 con giá 99.000 đồng (trước đó 120.000 đồng), loại 70 con chỉ còn 91.000 đồng…

Nuôi tôm công nghiệp là một công việc vất vả, đòi hỏi nguồn vốn lớn và rủi ro cao. Vậy nên, người nuôi phải dành tất cả thời gian cho việc chăm sóc, theo dõi sự phát triển của tôm nuôi… bởi chỉ cần sơ suất là trắng tay. Ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết gia đình vừa thu hoạch ao tôm công nghiệp được hơn 5 tấn tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg. "Giá tôm giảm nên chỉ bán được hơn 600 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, tôi lãi được hơn 20 triệu đồng nhưng với bao công sức bỏ ra và chi phí sinh hoạt hàng tháng trời thì coi như lỗ. Nếu rơi vào thời điểm có giá như đầu năm thì sẽ được nhiều hơn khoảng 200 triệu đồng" - ông Đoàn bộc bạch.

Tuy nhiên, ông Đoàn vẫn được xem là may mắn hơn so với nhiều hộ nuôi khác. Vụ nuôi cầm chắc lợi nhuận trong tay nhưng do giá tôm thẻ bất ngờ giảm mạnh mà chuyển sang thua lỗ. Thực tế trên đã khiến nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp bắt đầu "treo ao" để chờ thị trường ổn định. Bởi thời điểm này nuôi sẽ không có lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ cao.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại để tháo gỡ khó khăn, rào cản trong tiêu thụ thủy sản trong nước và xuất khẩu. Tận dụng các hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết xuất khẩu đơn hàng mới. Các giải pháp trên không những được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho DN trong xuất khẩu thủy sản mà còn giúp giá thu mua tôm nguyên liệu trong dân tăng trở lại. 

Doanh nghiệp cần lãi suất thấp

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất và khẩn trương hướng dẫn việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho DN. Đồng thời, tăng cường kiểm soát giá vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất thủy sản để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của thủy sản Việt trên trường quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật