A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường đồ uống Việt Nam đối mặt với viễn cảnh khó khăn

Bất chấp mức tăng trưởng bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2019 là 8,4%, thị trường đồ uống Việt Nam vẫn đối mặt với viễn cảnh không mấy sáng sủa trong năm nay, khi lạm phát tăng cao và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Tiềm năng thị trường

Trước đại dịch COVID-19, thị trường bia rượu nước giải khát Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Thị trường đồ uống Việt Nam đối mặt với viễn cảnh khó khăn - Ảnh 1.

Quầy đồ uống đóng chai, đóng lon trong một siêu thị. Ảnh TTC

Những con số không nói dối về sự phát triển của ngành hàng này, khi ước tính đến đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động.

Trong khi đó, giai đoạn 2015 – 2019 được xem là giai đoạn hoàng kim của ngành hàng này. Theo Euromonitor, giai đoạn này, thị trường tăng trưởng trung bình 8,4%/năm.

Trung bình mỗi tháng, một người Việt tiêu thụ khoảng 23 lít nước giải khát.

Dù còn kém xa mức 40 lit/người/tháng của thị trường thế giới, song, thị trường đồ uống Việt vẫn cho thấy tiềm năng to lớn, chiếm tỉ trọng 4,5% trong nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ, đóng góp gần 50 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Một viễn cảnh tươi sáng cho ngành hàng này cho đến khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả sản xuất, kinh doanh và lao động của ngành đồ uống năm 2020 có sự sụt giảm đáng kể so với năm 2019. Cụ thể, doanh thu toàn ngành năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019; còn doanh thu của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 19% so với năm 2019.

Doanh số sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về lợi nhuận. So với năm 2019, lợi nhuận trung bình của ngành nước giải khát năm 2020 giảm đến 94,96%.

Tác động của dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động trong ngành sản xuất và kinh doanh nước giải khát khi số lượng lao động giảm 4%, trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã phải cắt giảm 7% số lượng lao động. Cũng trong năm 2020, mức giảm về thu nhập trung bình của lao động trong ngành nước giải khát là 7% so với năm 2019.

Năm 2021, doanh thu thuần của ngành nước giải khát giảm 4,8% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận thuần của ngành này giảm tới 31,4%.

Đối diện với khó khăn

Đã có nhiều nét phác sáng sủa cho khả năng phục hồi và tăng trưởng của bức tranh thị trường đồ uống trong năm 2022. Tuy nhiên, gam màu chủ đạo vẫn ảm đạm, trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine căng thẳng, lạm phát và vật giá leo thang.

Thị trường đồ uống Việt Nam đối mặt với viễn cảnh khó khăn - Ảnh 3.

Giá bia và nước giải khát trên thị trường đều đang tăng mạnh. Ảnh TL

Theo khảo sát thực tế, giá bia rượu và nước giải khát đã tăng lên đáng kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì đại dịch.

Đơn cử như Heineken, sản phẩm chủ lực của công ty Heineken Việt Nam đang có giá trên dưới 21.000 đồng/lon 330ml, tùy nơi bán, sản phẩm Heineken Silver có giá 21.300 đồng/lon 330ml. "Người anh em" của Heineken là Tiger cũng không kém cạnh, với mức giá xoay quanh mốc 19.000 đồng/lon 330ml dành cho 3 dòng sản phẩm Tiger, Tiger Crystal và Tiger Platinum....

Bà Ngân, chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận Bình Tân tiết lộ với phóng viên, trung bình một tháng, cửa hàng của bà bán không dưới 30 thùng nước giải khát và 50 thùng bia mỗi loại. Con số có thể cao hơn ở các tháng 6, 7, 8 những tháng được xem là khô nóng đỉnh điểm. Tuy nhiên, thời gian gần đây doanh số bắt đầu chững lại và hàng đi nhỏ giọt, không còn đều đặn như trước.

Theo bà Ngân, giá bia và nước ngọt tăng là một phần nguyên nhân khiến cho doanh số ngành hàng này không còn được cao như trước. Nhiều chủ đại lý như bà cũng không dám nhập hàng về quá nhiều trong một đợt mà phải đợi đẩy hết hàng tồn.

Trong khi đó, ở góc độ người tiêu dùng, chị Bùi Thị Ngọc (ngụ Tân Bình) cho biết: "Ông xã tôi thích uống bia trong mỗi bữa cơm nên tôi luôn mua bia để tủ lạnh. Hồi trước còn 15.000, 16.000/lon chứ giờ đã tăng lên tới 19.000, 20.000 đồng. Tình hình giá cả này thì có thể tôi sẽ phải tính toán cắt bia của ông xã bù vào tiền sữa cho các con".

Theo các chuyên gia, việc giá cả thị trường tăng cao là điều tất yếu khi giá nguyên vật liệu đầu vào đều leo thang. Chi phí sản xuất tăng, chi phí nhân công, vận hành cũng phải tăng… dẫn đến tình trạng chung của toàn thị trường.

Thị trường đồ uống Việt Nam đối mặt với viễn cảnh khó khăn - Ảnh 4.
 

Khảo sát Gen Z và Millennial (Gen Y) năm 2022 của Deloitte cho thấy mối lo lớn nhất là nển tảng tài chính bấp bênh của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ.

Các chuyên gia cũng cho rằng trụ cột của thị trường tiêu dùng hiện tại là Gen Y (1981 – 1995) và Gen Z (1996 – 2014). Đây cũng là đối tượng khách hàng chính của ngành hàng mang tính đặc thù này.

Nếu như gen Y phần nào đã trải qua những khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008 – 2010, thì gen Y, thế hệ sinh ra và lớn lên cùng công nghệ sẽ lần đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng sắp tới.

Theo Forbes, khía cạnh trải nghiệm của thế hệ trẻ đang thay đổi. Khảo sát Gen Z và Millennial (Gen Y) năm 2022 của Deloitte cho thấy mối lo lớn nhất là nển tảng tài chính bấp bênh của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ.

Còn mối quan tâm cấp bách nhất của thế hệ này không còn là nhu cầu trải nghiệm, hưởng thụ cuộc sống nữa. Sự chuyển dịch mối quan tâm trong khảo sát cho thấy thực tế thị trường.

Khi chi phí sinh hoạt, bao gồm tiền thuê nhà, phương tiện đi lại và các hóa đơn điện, nước mới là mối quan tâm hàng đầu của 29% những người lao động ở độ tuổi Gen Z. Trong khi đó, 46% chia sẻ rằng toàn bộ thu nhập của họ chỉ đủ chi trả sinh hoạt phí, không dành dụm được đồng nào. Chỉ 25% số này có thể thoải mái chi tiêu hàng tháng.

Thị trường đồ uống Việt Nam đối mặt với viễn cảnh khó khăn - Ảnh 6.

Một dây chuyền sản xuất đồ uống đóng chai. Ảnh TL

Trong một hội thảo gần đây, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam cho biết, trong giai đoạn khó khăn của thị trường, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có những tác động tích cực nhất định, phần nào cải thiện tình trạng khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp.

Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất,… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt nỗi lo về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đáng chú ý, có nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua giảm một số loại phí như Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020, nhưng lại không có cơ chế riêng nào áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng.

Người đại diện của Hiệp hội cho biết, cần chú trọng việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế đối với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp nước giải khát đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa

Bà Chu Thị Vân Anh

Bà Chu Thị Vân Anh cũng lưu ý rằng, với độ co giãn của cầu theo giá, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa và từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm của người lao động.

"Việc tăng thuế hoặc bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách. Ví dụ, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương năm 2018, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỷ đồng, đồng thời gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế", bà Chu Thị Vân Anh nhận định.

Cụ thể, giá trị nền kinh tế được dự báo sẽ giảm 0,14%; GDP giảm 0,12%; thu nhập từ sản xuất giảm 0,16%; cơ hội việc làm giảm 0,11%; và thuế gián thu từ ngành sản xuất có thể giảm từ 0,07 đến 0,09%.

Như vậy, sau giai đoạn hoàng kim tăng trưởng mạnh, thị trường đồ uống Việt Nam có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với viễn cảnh khó khăn trong năm 2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật