2021 - Năm bùng nổ của tỷ phú Masan: Nhận tiền đầu tư bằng 11 năm IPO cộng lại, giá cổ phiếu lập đỉnh, đưa “con cưng” WinMart/WinMart+, MeatDeli lần đầu lãi dương
Bối cảnh vĩ mô của 2021 không hề thuận lợi khi bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vẫn có 1 năm thăng hoa, hào hứng đưa Masan bước vào một "game" lớn.
2 năm trước, vào những ngày cuối năm 2020, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan "chốt sổ" bằng thương vụ bom tấn, đó là mua lại VinCommerce từ tay Vingroup. Giá trị thương vụ này khoảng 5.400 tỷ đồng – tương đương 83,74% cổ phần công ty mà Vingroup lập ra để quản lý hệ thống VinMart, VinMart+. Đây cũng là điểm khởi đầu cho những hoạt động mua bán cổ phần, nhận vốn đầu tư của Masan và các công ty thuộc hệ sinh thái trong năm 2021.
Đầu tháng 4/2021, VinCommerce (nay là WinCommerce) thông báo bán 16,26% cổ phần trị giá 410 triệu USD cho SK Group.
Đến tháng 5, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang lại có cái bắt tay lịch sử với nhóm các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành. The CrownX là công ty thành viên của Tập đoàn Masan, được hợp nhất từ Masan Consumer Holdings và WinCommerce.
Đến tháng 11, Masan lại tuyên bố hai thương vụ hợp tác. Một là De Heus Việt Nam chi 600-700 triệu USD, đánh dấu việc ông Quang chính thức chia tay mảng thức ăn chăn nuôi. Hai là SK Group chi thêm 340 triệu USD để mua lại 4,9% cổ phần The CrownX.
Một năm bận rộn của tỷ phú mì gói vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng 12/2021, các đại gia TPG, Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings tiếp tục đầu tư thêm 350 triệu USD vào "con cưng" The CrownX.
Như vậy, tổng số vốn mà Tập đoàn Masan nhận được trong riêng năm 2021 ước tính gần 2,3 tỷ USD. Con số này gần bằng tổng vốn đầu tư Masan nhận được trong suốt 11 năm kể từ khi lên sàn chứng khoán (2009-2020) – khoảng 2,4 tỷ USD.
Điều này cũng khá dễ hiểu khi ông Quang cùng các thành viên trong tập đoàn đang tham gia vào một cuộc chơi lớn, "chiêu mộ" thêm nhiều thành viên với tham vọng tạo nên một hệ sinh thái bán hiện đại - "Point of Life" (POL).
Sự xuất hiện của những khái niệm mới
Trong năm 2021, Masan – dưới sự chỉ huy của "thuyền trưởng" Nguyễn Đăng Quang, đã đưa ra hàng loạt khái niệm mới cho hệ sinh thái bán lẻ hiện đại của mình.
Đầu tiên và được nhắc đến nhiều nhất là Poin of Life (PoL) – được Tập đoàn định nghĩa là "nền tảng tích hợp từ Offline to Online các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, được người tiêu dùng tin yêu. Nhờ đó, Masan sẽ xây dựng nền tảng khách hàng thân thiết, mang đến giá trị vượt trội với tầm ảnh hưởng sâu rộng và giúp người tiêu dùng chi trả ít hơn cho nhu yếu phẩm hàng ngày".
Thứ hai, mô hình cửa hàng "one-stop shop", nghĩa là nền tảng "tất cả trong một". Có thể hiểu đơn giản, các cửa hàng Winmart+ sẽ hướng đến không chỉ bán tạp hoá mà còn phục vụ nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí, chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.
Thứ ba, khái niệm "Offline to Online", được hiểu là Masan sẽ đi theo cách đánh mạnh vào mảng bán lẻ trực tiếp (offline), rồi mới từ đó lấn sang mảng trực tuyến (online). Điều này khá ngược với xu hướng O2O – Online to Offline mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang theo đuổi.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Đăng Quang từng chia sẻ tại ĐHCĐ:
Thứ nhất, mặc dù tất cả người tiêu dùng ở Việt Nam đều rất phấn khích với cơ hội mua bán hàng trên mạng, thực tế thì 99% nhu cầu mua sắm tiêu dùng vẫn được thực hiện tại các cửa hàng tạp hóa bán lẻ.
"Vậy, ưu tiên của chúng ta là phục vụ theo cách người tiêu dùng đang lựa chọn", tỷ phú Quang nói.
Thứ hai, nghe thì rất vui, nhưng thực tế là mua một chai nước mắm trên mạng đắt hơn là ra tiệm tạp hóa gần nhà. Vậy chúng ta hãy chọn nơi để phục vụ mà đối với người tiêu dùng là cách tiết kiệm nhất.
Một mặt cho rằng câu chuyện người tiêu dùng mua nông sản, chai nước mắm, gói mì,… trên mạng sẽ chưa xảy ra ngay, câu chuyện tương lai cũng không thể đoán trước nhưng mặt khác, ông Quang bày tỏ niềm tin rằng có thể toàn quyền, tự tay tìm cách xây dựng ngày mai đó. Đồng thời, Masan sẽ phát triển theo đúng nhu cầu người dùng.
Chiêu mộ thành viên mới
Và, để từng bước hiện thực hoá những khái niệm trên, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lại tất bật "đi chợ", chiêu mộ các thành viên mới vào hệ sinh thái của mình.
Cuối tháng 5/2021, The Sherpa tuyên bố đã ký kết thỏa thuận mua 20% cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage – đơn vị sở hữu thương hiệu trà & cà phê Phúc Long. Với cái bắt tay chiến lược này, Phúc Long dự kiến sẽ mở các 1.000 kiosk của mình bên trong các cửa hàng Vinmart+ trong 18-24 tháng.
Tới tháng 9, Masan thông báo hoàn tất thương vụ mua lại 70% cổ phần của Mobicast – sở hữu mạng di động ảo Reddi, kết nạp thêm một thành viên vào hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, một cái tên thuộc ngành bán lẻ dược phẩm – Phano Pharmacy dù không công bố chi tiết màn hợp tác nhưng cũng xuất hiện trong mô hình cửa hàng mới của WinMart+.
Hiện mô hình kiểu mẫu "tất cả trong một" (one-stop shop) đang có sự hiện diện của kiosk Phúc Long, quầy giao dịch Techcombank, quầy thuốc Phano Pharmacy và thiết bị hòa mạng Reddi ngay trong cửa hàng WinMart+.
Trong khi đó, với kênh online, WinCommerce đã trở thành đối tác chiến lược của sàn TMĐT Lazada sau khi nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Alibaba rót 400 triệu USD vào The CrownX. Một gian hàng chính hàng của Winmart cũng được mở trên Lazada để phục vụ nhu cầu mua sắm online.
Như vậy, người tiêu dùng không chỉ được đáp ứng nhiều dịch vụ (viễn thông, tài chính ngân hàng, dược phẩm, …) trong một cửa hàng offline WinMart+ mà về dài hạn, các cửa hàng này cũng có thể trở thành điểm nhận hàng cho khách mua sắm online trên sàn TMĐT (Lazada).
Nhìn nhận một cách thực tế, việc mua VinCommerce từ tay Vingroup, rồi lại phát triển hệ sinh thái bán lẻ mới từ đó, là ‘game" không hề dễ. Ngay từ đầu, thương vụ mua lại VinCommerce không chỉ khiến Masan phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD, mà còn làm cho những người tin tưởng nhất vào ông Quang cũng trở nên lung lay.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch HĐQT Masan lại nhìn nhận: Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách.
Ông Nguyễn Đăng Quang bày tỏ sự tự tin về khả năng thành công của mô hình "Online to Offline" (O2O), bởi nguyên mẫu Walmart - hệ thống siêu thị tập trung vào mô hình "click and collect" cho phép khách hàng mua sắm online và nhận tại các cửa hàng, đã trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm trực tuyến số 1 nước Mỹ.
Tại ĐHCĐ 2021, vị tỷ phú cho biết phần lớn trên thế giới không tin một ông làm truyền thống có thể trở thành người làm công nghệ, mà thường thấy điều ngược lại, như Amazon, Alibaba đã thay đổi cách mua sắm như thế nào.
"Nhưng không phải Amazon, Alibaba là nhà vô địch về kinh doanh online của ngành hàng Grocery (nhu yếu phẩm). WalMart mới là người đứng đầu về Grocery Online. Bởi để làm điều đấy, bạn phải hiểu khách hàng, chứ không chỉ đơn giản là đưa bánh mỳ, hộp sữa lên trên market place rồi nói "Tôi có kinh doanh online", ông Quang bày tỏ.
Với hệ sinh thái PoL, ông Quang đặt kỳ vọng Masan có thể gia tăng đáng kể giá trị đơn hàng của người tiêu dùng, không chỉ dừng lại ở mua thực phẩm trực tiếp tại cửa hàng. Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của Masan cho biết bước đầu, mô hình "trung tâm thương mại mini" và doanh số kênh online ngày càng tăng. Nhờ đó, thời gian cần thiết để đạt điểm hòa vốn của các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ theo mô hình mới sẽ được rút ngắn.
Doanh thu/m2/tháng của toàn hệ thống Winmart+ tăng 44% trong Quý 3/2021 nhờ các điểm bán tại Tp.HCM và Hà Nội đã đạt mục tiêu đặt ra.
Tính đến ngày 30/9/2021, đã có 63 kiosk Phúc Long tại WinMart+ đi vào hoạt động, góp phần thu hút khách đến cửa hàng và cải thiện lợi nhuận. Tháng 9/2021, các cửa hàng WinMart+ có kiosk Phúc Long đang hoạt động có số lượng hóa đơn trung bình/ngày tăng trưởng 16%, giá trị hóa đơn tăng 68% và biên EBITDA tăng lên 4,9%, so với tháng trước khi khai trương các kiosk này. Masan đặt mục tiêu mở mới gần 1.000 kiosk trong vòng 12 tháng tới, ước tính đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu/cửa hàng/ngày.
Trong khi đó, lượng khách đến 3 cửa hàng thí điểm đã tăng 27%, 12% và 4% so với giai đoạn trước khi thí điểm. Ngoài ra, "người anh em" Techcombank đã tiếp cận được 1.361 khách hàng mới nhờ có mặt tại các điểm bán của mô hình mới.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cần chưa đến 1 năm để chứng minh cho các nhà đầu tư và cổ đông thấy rằng Masan có thể đưa VinCommerce phát triển "lành mạnh" hơn. Điều này thể hiện ngay ở những con số.
Cụ thể, theo báo cáo của Masan, WinCommerce đã có quý đầu tiên có lợi nhuận, đạt lợi nhuận thuần sau thuế 137 tỷ đồng trong Quý 3/2021. Trước đó, WCM đã có 4 quý liên tiếp đạt EBITDA dương. Masan kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ mạnh hơn nữa khi sẽ có gần 1.000 cửa hàng mới đi vào hoạt động trong vòng 12 tháng tới. Các cửa hàng mới dự kiến sẽ đạt EBITDA hòa vốn trong 6-12 tháng nhờ vào chiến lược PoL.
Trong khi đó, mảng kinh doanh thịt mát cũng đón nhận tin vui khi thương hiệu MEATDeli (không bao gồm trang trại, 3F Việt và thức ăn chăn nuôi) đánh dấu cột mốc quan trọng: đạt Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty (NPAT Post-MI) dương lần đầu tiên vào Quý 3/2021.
Ngoài ra, 2021 còn được đánh giá là một năm đại thắng trên thị trường chứng khoán của Masan nói chung và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nói riêng.
Cổ phiếu MSN đã tăng ấn tượng hơn với 94%, lên đỉnh lịch sử 171.000 đồng/cổ phiếu, đưa quy mô doanh nghiệp vượt 200.000 tỷ đồng và lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán. Ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu TCB, chỉ có 15 cổ phiếu MSN nhưng lại gián tiếp nắm giữ tới 255,7 triệu cổ phiếu MSN.
Theo thông tin mới nhất từ Forbes, tài sản của vị tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã tăng từ 1,2 tỷ USD từ đầu năm lên 2,2 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, giữ vị trí số 5 trong bảng xếp hạng tỷ phú Việt của Forbes.
https://cafebiz.vn/2021-nam-bung-no-cua-ty-phu-masan-nhan-tien-dau-tu-bang-11-nam-ipo-cong-lai-gia-co-phieu-lap-dinh-dua-con-cung-winmart-winmart-meatdeli-lan-dau-lai-duong-20211229155636459.chn