Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/1 – 2/2
Các Ngân hàng trung ương Mỹ, Anh và châu Âu sẽ tổ chức các cuộc họp đầu tiên trong năm mới, trong khi các ‘gã’ khổng lồ về công nghệ của Mỹ và các ngân hàng châu Âu sẽ báo cáo kết quả kinh doanh năm qua của mình.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý nhất trong tuần 29/1 – 2/2
1/ Cuộc họp của Fed và bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 30-31/1, nơi thị trường tìm kiếm manh mối về thời điểm ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay sau một trong những chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.
Kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3/2024 đã châm ngòi cho đợt phục hồi bùng nổ của cổ phiếu và trái phiếu vào cuối năm 2023. Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong năm nay, nhưng nhiều dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến và sự phản đối của các nhà hoạch định chính sách về việc sớm nới lỏng chính sách đã làm giảm niềm tin của thị trường về khả năng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất trong quý đầu tiên của năm 2024.
Các dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Fed, Jerome Powell, ủng hộ việc giữ lãi suất ở mức cao như hiện nay trong thời gian dài hơn một chút có thể tạo điều kiện thuận lợi cho lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD tăng giá.
Các thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Sáu (2/2). Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 162.000 việc làm mới trong tháng 1 so với 216.000 của tháng liền trước.
2/ Ngân hàng Anh sẽ giữ nguyên lãi suất?
Đồng bảng Anh có thể sẽ không duy trì xu hướng tăng lâu hơn nữa, bởi dự kiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ giữ lãi suất ổn định vào ngày 1/2, nhưng tín hiệu cho thấy có thể không duy trì mức lãi suất cao nhất trong 16 năm lâu hơn nữa.
Đồng bảng Anh tăng khoảng 5% so với đồng đô la trong vòng 3 tháng do thị trường kỳ vọng BoE sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với Fed. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định BoE không lặp lại những thông điệp đã phát đi lâu nay, rằng họ sẽ tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát tăng trở lại.
3/ Chỉ số PMI của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc, công bố vào thứ Tư (31/1) có thể củng cố luận điểm rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.
Cho đến nay, những lời kêu gọi Trung Quốc kích thích hơn nữa nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi yếu ớt sau đại dịch đã được đáp ứng bằng các gói giải cứu nhỏ. Nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường cổ phiếu Trung Quốc, đẩy giá cổ phiếu của nước này giảm mức thấp nhất trong nhiều năm.
Việc ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ mạnh lượng dự trữ bắt buộc để bơm khoảng 140 tỷ USD tiền mặt vào hệ thống ngân hàng có vẻ chưa đủ mạnh. Mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm 2023 đã đạt được, song nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi liệu xu hướng này có thể duy trì trong năm 2024 hay không?
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ cũng sẽ công bố chỉ số PMI mới nhất trong tuần này.
4/ Các ‘siêu’ công ty công nghệ Mỹ công bố doanh thu
Kết quả doanh thu của các công ty công nghệ khổng lồ cũng sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường.
Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta Platforms - 5 trong số các cổ phiếu "Magnificent Seven" (Bảy tay súng huyền thoại – tên một bộ phim) đã đạt được mức tăng ấn tượng vào năm 2023 và giúp nâng S&P 500 đạt mức cao kỷ lục mới vào tháng 1/2024 – tháng Một đầu tiên tăng sau hai năm.
Với việc S&P 500 chính thức bước vào thị trường giá lên, kết quả của Magnificent Seven sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu chỉ số này có thể duy trì đà tăng hay không.
Nhìn chung, các công ty thuộc S&P 500 đang trên đà đạt mức thu nhập tăng 4,5% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của LSEG. Thị trường đang tập trung vào việc liệu thu nhập của các doanh nghiệp năm 2024 có thực sự khả quan hơn như dự kiến hay không, với các công ty thuộc S&P 500 ước tính sẽ tăng thu nhập hơn 10% trong năm nay.
5/ Những dữ liệu lạc quan từ châu Âu.
Các ngân hàng châu Âu đang tận hưởng cảm giác mà họ chưa từng có trong nhiều năm: lợi nhuận tăng và cổ phiếu tăng tăng khá mạnh. Lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ đã mang lại thu nhập lãi ròng cho người cho vay - số tiền họ kiếm được từ các khoản vay trừ đi chi phí tiền gửi - tăng vọt. Các khoản thanh toán cho cổ đông đã đạt mức cao kỷ lục.
BBVA sẽ báo cáo kết quả doanh thu năm 2023 vào thứ Ba (30/1), Santander vào thứ Tư (31/1) và Deutsche Bank, BNP Paribas và UniCredit vào thứ Năm (1/2).
Các nhà đầu tư sẽ chú ý đến các dấu hiệu cho thấy lãi suất của Châu Âu đã đạt đỉnh điểm hay chưa, đặc biệt là khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời cũng đánh giá chất lượng cho vay của các ngân hàng đang xấu đi nhanh như thế nào. Lãi suất tăng cao cuối cùng cũng đặt ra câu hỏi liệu người cho vay có thể hào phóng với việc mua lại và chia cổ tức hay không?
Số liệu GDP quý 4 của khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ Tư (31/1) và dữ liệu lạm phát sơ bộ tháng 1 công bố vào thứ Năm (1/2) sẽ cung cấp cho ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung về thời điểm ECB có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống thị trường