Singapore nhập khẩu khoảng 2,5 triệu USD/năm sữa và các sản phẩm sữa từ Việt Nam
Trong giai đoạn 2019 - 2023, Singapore nhập khẩu trung bình khoảng 2,5 triệu USD/năm giá trị (tương đương khoảng 344 tấn/năm) sữa và các sản phẩm sữa từ Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore có quỹ đất hạn chế (chỉ khoảng 730km2), nhỏ hơn rất nhiều các nước có ngành chăn nuôi bò sữa, chủ yếu sử dụng quỹ đất để phát triển nhà ở, hạ tầng công nghiệp công nghệ cao. Diện tích đất nông nghiệp của nước này chỉ chiếm 1% diện tích đất liền của quốc gia và phần lớn được ưu tiên cho sản xuất rau, cá và trứng do các mặt hàng có thể phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị (urban agriculture) hoặc công nghệ cao.
Singapore không đa dạng về khí hậu, biên độ giao động nhiệt thấp, nhiều mưa, tiết trời nóng ẩm quanh năm nên không lý tưởng để nuôi bò sữa vốn thích hợp với khí hậu ôn đới mát mẻ, khô ráo.
Vì những lý do trên, việc phát triển ngành sữa ở Singapore được cho là tốn kém chi phí, sản lượng thấp và không đem lại hiệu quả kinh tế. Trên thực tế, Singapore nhập khẩu trên 90% lượng thực phẩm tiêu thụ nội địa nói chung cũng như sữa và sản phẩm sữa nói riêng.
Trong giai đoạn 2019-2023, Singapore nhập khẩu trung bình khoảng 2,5 triệu USD/năm sữa và các sản phẩm sữa từ Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Theo kết quả tính toán dựa trên nguồn số liệu của Hệ thống thông tin thương mại quốc tế (UNComtrade) có thể thấy, trong giai đoạn 2019 - 2023, Singapore nhập khẩu trung bình 300 nghìn tấn sữa và sản phẩm sữa mỗi năm (tương đương khoảng 900 triệu USD/năm về giá trị), trong đó lượng tiêu thụ nội địa ước đạt khoảng 245 nghìn tấn/năm (tương đương khoảng 670 triệu USD/năm), còn lại là tái xuất tới các thị trường khác.
Trong giai đoạn 2019 - 2023, Singapore nhập khẩu trung bình khoảng 2,5 triệu USD/năm giá trị (tương đương khoảng 344 tấn/năm) sữa và các sản phẩm sữa từ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Singapore cũng xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa sang Việt Nam với giá trị trung bình khoảng 7,4 triệu USD/năm (tương đương khoảng 2,1 nghìn tấn).
Tuy vậy, nhìn chung thương mại song phương về sữa và sản phẩm sữa giữa Singapore và Việt Nam chưa thực sự cho thấy sự ổn định. Trong khi xuất khẩu của Singapore tới Việt Nam có xu hướng giảm dần trong cả giá trị và khối lượng thì nhập khẩu từ Việt Nam đang tạm duy trì được về giá trị nhưng cũng đang giảm dần về khối lượng.
Về chủng loại, trong giai đoạn 2019 - 2023, nhập khẩu của Singapore đối với sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam nổi lên nhóm 040630 (phô mai đã chế biến trừ phô mai dạng bào/dạng bột) đạt giá trị vượt trội, trên 2,3 triệu USD/năm. Ngoài nhóm này, hiện chỉ có 3 nhóm khác có kim ngạch trên 10 nghìn USD và đáng kể là nhóm 040490 (các sản phẩm khác có thành phần sữa tự nhiên...). Nhóm 040120 (sữa và kem sữa không cô đặc, không thêm đường, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo sữa trên 1% đến tối đa 6%) và nhóm 040299 (sữa và kem sữa ở dạng khác, có thêm chất tạo ngọt).
Do vậy, nhóm 040630 có thể được xem là nhóm có tiềm năng nhất để phát triển, trên cơ sở nhóm này cũng thuộc Top 4 các sản phẩm sữa xuất khẩu của Singapore ra thế giới và hiện Việt Nam đang là nhà cung ứng nhóm 040630 đứng thứ 7 cho thị trường Singapore (chỉ sau 6 đối tác lớn là Australia, New Zealand, Pháp, Italy, Hoa Kỳ, Anh).
Số liệu cũng cho thấy, nhóm 040221 (sữa và kem sữa ở dạng rắn, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo sữa trên 1,5%) là nhóm mà Singapore trao đổi chính với thế giới, thì gần như không nhập khẩu nhóm này từ Việt Nam, mà lại xuất nhóm này sang Việt Nam với giá trị năm 2023 đạt trên 2,3 triệu USD, đã chiếm đến hơn một nửa tổng giá trị xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Singapore sang Việt Nam trong năm 2023 (4,2 triệu USD).
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết thêm, Singapore là thị trường có tiêu chuẩn cao, tuy không phát triển ngành công nghiệp sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa, Singapore có các quy định quản lý chất lượng mặt hàng sữa và sản phẩm sữa rất rõ ràng, chặt chẽ.
Thị trường Singapore là thị trường nhỏ và có sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn tới từ các nước có ngành sản xuất sữa và sản phẩm sữa mạnh và lâu năm như Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Hà Lan... Bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về thành phần, ghi nhãn sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đến các yêu cầu khác, như các giấy chứng nhận quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm (như ISO, HACCP, Organic USDA/EU, Halal).