Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gia cầm lợi thế
Ngành chăn nuôi gia cầm đặt mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 20-25% sản lượng thịt và trứng gia cầm. Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm lợi thế là giải pháp quan trọng.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này!
Việt Nam bước đầu đã điền tên vào bản đồ xuất khẩu gia cầm thế giới
- Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về đầu con với đàn gà và đứng thứ 2 thế giới về thủy cầm. Sản lượng trứng gia cầm năm 2024 đạt hơn 20,3 tỷ quả. Tình hình xuất khẩu sản phẩm gia cầm hiện ra sao thưa ông?
Ông Phùng Đức Tiến: Ngành chăn nuôi gia cầm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Theo đó, giá trị sản xuất của ngành gia cầm ước đạt 220-250 nghìn tỷ, chiếm 26% toàn lĩnh vực chăn nuôi. Ngành gia cầm đã góp phần quan trọng giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân.
![]() |
Dây chuyền chế biến thịt gà của nhà máy Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Trong thời gian qua, bước đầu Việt Nam được điền tên vào bản đồ xuất khẩu sản phẩm gia cầm của thế giới. Theo đó, năm 2017 Việt Nam xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, đến năm 2019 Việt Nam xuất khẩu thịt gà đến thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu, Mông Cổ, Singapore lần lượt vào các năm 2020, 2023 và 2025.
Như vậy, đến nay, đã có các quốc gia, vùng lãnh thổ sau chấp thuận nhập khẩu thịt gà và trứng của Việt Nam như: Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Mông Cổ, Australia, Lào, Campuchia, Myanmar, Liên minh kinh tế Á - Âu.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi gia cầm cũng đang đối diện với những thách thức không nhỏ khi tăng trưởng sản xuất đang có xu hướng giảm, hiệu quả sản xuất gia cầm giảm dần. Năng suất chăn nuôi vẫn còn thấp, giá thành sản phẩm cao. Ngoại trừ khu vực chăn nuôi công nghiệp, còn lại năng suất chăn nuôi gia cầm Việt Nam vẫn thấp, giá thành cao.
Hệ thống sản xuất gia cầm vẫn bị cắt khúc, liên kết chuỗi còn yếu. Hiện nay chỉ mới hình thành được chuỗi liên kết sản xuất gà thịt của các tập đoàn lớn nhưng tỷ trọng hàng hóa theo chuỗi chưa lớn. Phần lớn các doanh nghiệp nội chưa xây dựng được chuỗi liên kết.
- Đến nay, Việt Nam tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây được cho là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi trong nước. Khơi thông thị trường xuất khẩu được nhận định là giải pháp để giải bàn toán cung vượt cầu sản xuất trong nước. Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường có những kế hoạch hay giải pháp gì, thưa ông?
Ông Phùng Đức Tiến: Hiện nay, về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chúng ta cũng mới chủ yếu xuất bán sản phẩm thô chứ chưa có sản phẩm chế biến trong khi đó các quốc gia họ có hàng trăm mặt hàng chế biến sâu. Do đó, chế biến và chế biến sâu là một trong những giải pháp quan trọng. Để đẩy mạnh việc này, chúng ta cần có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn để dẫn dắt hệ sinh thái theo chuỗi giá trị.
![]() |
Ông Phùng Đức Tiến -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Bên cạnh đó, xúc tiến thương mại cần phải đẩy mạnh. Hiện, kinh phí cho xúc tiến thương mại còn rất ít, do đó, việc tổ chức diễn đàn gia cầm, gia cầm chế biến của Việt Nam đến các quốc gia còn hạn chế.
Trên thực tế, chúng ta cũng đã có tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà hiện đại tại tỉnh Bình Phước của Tập đoàn CP. Đây là một mô hình chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà với công nghệ vượt trội, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu ra tất cả các nước trên thế giới, ngay cả những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu và Nhật Bản, về chất lượng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Các thị trường nhập khẩu khó tính như: Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh kinh tế Á - Âu cũng đã sang thẩm tra và chúng ta cũng đã có sản phẩm từ tổ hợp nhà máy này xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản.
Muốn phát triển bền vững, ngành gia cầm Việt Nam cần một chiến lược quốc gia tổng thể, từ đầu tư giống, công nghệ, đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và xúc tiến thương mại toàn cầu. Việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sẽ tạo đầu ra ổn định và bền vững cũng như giá trị gia tăng cao hơn cho ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.
Trứng gia cầm đã xuất khẩu đi Malaysia, Singapore…
Trong thời gian vừa qua, thông tin về trứng giả gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi. Bộ có những giải pháp gì về việc này?
Ông Phùng Đức Tiến: Vấn đề thông tin về trứng giả không phải lần đầu diễn ra. Cần khẳng định về cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học, chúng ta không thể nào làm được trứng giả. Quả trứng hình thành là cả quá trình sinh lý, sinh sản của gia cầm và chịu tác động của các yếu tố môi trường, mật độ chăn nuôi, thức ăn dinh dưỡng, yếu tố di truyền,… Phía ngoài quả trứng là vỏ canxi, phốt pho, phía trong là lòng trắng, lòng đỏ, dây chằng. Hay nói cách khác là cấu trúc sinh học của quả trứng là rất phức tạp.
Chưa kể, vấn đề cốt lõi nhất của quả trứng đó là chất lượng với các hàm lượng protein, chất béo lành mạnh, calo, folate, vitamin A, vitamin B2, B5, B6, B12, vitamin D, vitamin K, phốt pho, selen, canxi, kẽm và nhiều chất dinh dưỡng khác. Do đó, tôi cho rằng chúng ta chưa thể có công nghệ để làm trứng giả.
Thời gian qua, một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật về "trứng gà giả", "trứng gà 2 lòng đỏ". Năm 2024, sản lượng trứng của Việt Nam đạt hơn 20,3 tỷ quả. Trứng gia cầm đã xuất khẩu đi Malaysia, Singapore… Do đó, những tin đồn không có cơ sở này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm chuyên trứng nói riêng.
Bộ cũng đã có văn bản gửi sang Bộ Công An điều tra, xử lý những thông tin trên mạng xã hội về trứng giả. Những người đưa thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, đời sống của bà con nông dân sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8 - 6,1 triệu con giống gia cầm. Đồng thời, xuất khẩu khoảng 4,6 - 5,1 nghìn tấn thịt gia cầm các loại. Theo chiến lược chăn nuôi đến năm 2030 tỷ lệ thịt gia cầm chiếm 28 - 30%, với 22 - 23 tỷ quả trứng. Xuất khẩu 20 - 25% sản lượng thịt và trứng gia cầm, tỷ lệ thịt gia cầm được chế biến 25 - 30% vào năm 2025, đạt 40 – 50% vào năm 2030. |