Chuyên gia dự báo: Thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2023
Không phủ nhận những khó khăn mà thị trường địa ốc đang đối mặt ở thời điểm hiện tại, một số chuyên gia cho rằng, kênh đầu tư này sẽ lấy lại vị thế cân bằng, phục hồi trong năm 2023.
Tại Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra nhìn nhận tổng quan về thị trường bất động sản.
Theo ông Đính, 9 tháng vừa qua, nguồn cung mới của thị trường bất động sản chỉ bằng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm trước. Các sản phẩm cũng chưa thực sự phù hợp với thị trường khi nguồn cung với phân khúc cao cấp đang thừa, trong khi đó sản phẩm giá rẻ đáp ứng nhu cầu tìm nhà ở thực của người dân lại đang thiếu.
2 năm qua khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 cùng với các hoạt động điều chỉnh chính sách đã có những tác động nhất định tới thị trường bất động sản.
Các phân khúc nhà ở giá rẻ nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu và yếu nên giá cả tăng mạnh, so với năm 2021 thì thời điểm hiện tại giá nhà đã tăng khoảng 30%, so với năm 2019 đã tăng 50%. Đặc biệt với phân khúc căn hộ ở tầm 25 triệu/m2 nay không còn tìm thấy trên thị trường.
Giá nhà tăng lên và không phù hợp với thị trường nên khả năng hấp thụ của thị trường thấp. Nhiều dự án khuyến mại từ 15 - 35% sản phẩm để tăng hấp thụ.
(Ảnh minh hoạ)
Dự báo diễn biến thị trường giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023, ông Đính cho rằng: “Từ nay đến cuối năm, một số phân khúc có điểm sáng đó là bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội thu nhập thấp dư địa tiềm năng vẫn còn lớn. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn. Ví dụ như phân khúc công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo”.
Vị chuyên gia này nhận định thêm, mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng những điểm nghẽn khó khăn phải kể đến như các quy định của pháp luật, các thủ tục pháp lý đang khiến nhiều dự án nằm chờ chưa thể triển khai.
“Thời gian vừa qua, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ các rào cản khó khăn, tôi tin rằng thị trường sẽ dần có cân bằng tốt hơn trong năm 2023”, ông Đính nói.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra mốc thời điểm 2023 là giai đoạn phục hồi của bất động sản.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, thời điểm hiện tại, thị trường đang thanh lọc để minh bạch hơn. Trong thời gian tới, với động lực từ dòng vốn ngoại, các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng sôi động trở lại.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố cơ bản.
Dữ liệu cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực, đặc biệt khi so với thời kỳ cách ly diện rộng vào quý 3/2021. Chỉ số GDP đạt 8,83%, vẫn trong kế hoạch kiểm soát lạm phát tốt, giải ngân FDI tốt, tỷ giá đồng USD so với đồng Việt Nam vẫn ở mức 3%, duy trì mức ổn định.
Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản có cải thiện, trong 9 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 7.124 doanh nghiệp, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động là 1.769, cao hơn con số 998 so với cùng kỳ 2021. Vốn giải ngân đầu tư công dù chậm hơn so với kế hoạch nhưng vẫn đang được đẩy nhanh. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng hiện ở mức cao và tốc độ giải ngân công vẫn chậm so với chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, với cái nhìn đầy thận trọng, TS. Đinh Thế Hiển đưa ra đánh giá ít lạc quan hơn. Ông Hiển nói, đầu năm 2022, rất nhiều người không tin thị trường bất động sản có thể tồi tệ như năm 2013 nhưng hiện nay, theo quan sát, tình trạng tài chính của những người này đã giống với năm 2013 tới 70%. Đây là lý do mà vị chuyên gia này lo ngại sẽ có thể xuất hiện thêm tín hiệu xấu với thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Tại một toạ đàm, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research chỉ ra thách thức của bất động sản, đó lãi suất tăng khiến thanh khoản sụt giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn đi kèm với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong hai năm tới.