Chuyên gia tiết lộ thời điểm thị trường BĐS 'đảo chiều'
Thị trường bất động sản (BĐS) vừa đón nhận tin vui khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 "về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững". Giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần có thêm những giải pháp mang tính cụ thể và mạnh mẽ hơn để giúp thị trường hồi phục.
Thị trường bắt đầu có dấu hiệu tích cực
Ghi nhận thực tế, sau khi Nghị quyết 33 được công bố, trên khắp các website tuyển dụng và nền tảng mạng xã hội, hàng trăm tin tức tuyển dụng nhân viên BĐS được đăng tải dồn dập.
Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Thái Yên, quản lý một sàn môi giới BĐS có tiếng tại Hà Nội cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33, khách hàng đã bắt đầu có sự yên tâm hơn vào thị trường.
Khi thanh khoản khởi sắc , trung bình ngày nào cũng có giao dịch diễn ra, công ty của ông Yên đang bắt đầu tuyển dụng thêm nhân sự để bổ sung vào những vị trí thiếu hụt trước đó.
“Không chỉ chúng tôi, mà nhiều sàn khác cũng bắt đầu chi tiền cho việc quảng cáo các dự án nhằm tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Trong khi đó, các chủ đầu tư đã đưa ra những chính sách ưu đãi về lãi suất ngân hàng để thu hút khách hàng. Cụ thể, một số chủ đầu tư đưa ra cam kết về lãi suất vay mua nhà ở mức 6,5 - 9,5%, nghĩa là sẽ đảm bảo lãi suất vay mua nhà ở mức thấp hơn ngưỡng lãi suất trung bình hiện tại của ngân hàng (10 – 12%)”, ông Yên nói.
Ghi nhận từ PV cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuẩn bị kế hoạch truyền thông dự án mới . Số lượng giao dịch tuy không sôi nổi như thời gian trước nhưng lượng người quan tâm đến BĐS tăng dần.
Tỷ lệ thanh khoản và nhu cầu quan tâm thị trường BĐS của nhà đầu tư đang tăng dần sau Nghị quyết 33. (Ảnh: Lộc Liên)
Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao của Công ty CBRE Việt Nam cho rằng Nghị quyết 33 đã mở ra nhiều cơ hội về dòng tiền doanh nghiệp BĐS vì tách bạch rõ ràng, chủ đầu tư nào có kế hoạch trả nợ, chưa bao giờ bị vướng vào nợ xấu thì doanh nghiệp đó phải được ưu tiên được giãn nợ gốc, ưu tiên giảm lãi vay.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa nhận định, gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong việc triển khai dự án.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Nghị quyết 33 là sự cố gắng rất cao của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Đây là tín hiệu mang tính tác động tâm lý tích cực cho thị trường, thúc đẩy việc tháo gỡ các khó khăn cũng như khiến nhà đầu tư có niềm tin hơn vào thị trường.
Tuy nhiên, GS Võ cho rằng Nghị quyết 33 mới chỉ đưa ra hai chủ trương chính là tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý và vốn cho doanh nghiệp mà chưa tạo ra tác động mạnh mẽ cho thị trường. Bởi lẽ, theo Nghị quyết 33, Chính phủ sẽ đôn đốc các Bộ trong việc chuẩn bị các Nghị định để tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, các khó khăn hiện tại của thị trường chủ yếu vẫn là vướng mắc về Luật, mà điển hình là Luật Đất đai thì phải đến cuối năm 2023 mới có thể có điểm sáng.
Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp với việc giảm giảm mặt bằng lãi suất cho vay hoặc giảm điều kiện cho người vay mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp phát triển phân khúc này để thị trường thực sự phục hồi.
Nghị quyết 33 – tin vui cho thị trường BĐS
Nghị quyết 33 của Chính phủ tập trung tháo gỡ những khó khăn lớn của thị trường BĐS. Trong đó có việc cởi bỏ những nút thắt về nguồn vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người mua nhanh chóng tiếp cận tín dụng.
Ngay sau Nghị quyết 33, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các lãi suất điều hành từ 0,5% - 1%. Tiếp đó, nhóm Big 4, gồm:Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về mức 7,2%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.
Ghi nhận của Tiền Phong đến ngày 19/3, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất huy động. Trong đó, VPBank công bố lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm 0,5%/năm, còn 8,3%/năm và 8,7%/năm. VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với mức giảm 0,5% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức từ 8,5% - 8,8%/năm.
Đồng thời, một số ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất cho vay ở một số sản phẩm, trong đó có BĐS. Điển hình, tại Agribank, khoản vay với mục đích kinh doanh BĐS ở thời điểm từ 31/1/2023 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được xem xét giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với mức lãi suất cũ. Còn BIDV tung ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay mua nhà ở .
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay sau Nghị quyết 33. (Ảnh: Minh họa)
Bên cạnh đó, Nghị quyết 33 đã tạo hành lang pháp lý, gỡ khó cho nguồn cung – điểm nghẽn lớn của thị trường BĐS. Theo đó, đề ra nhiệm vụ khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua các Luật: Đất đai (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh BĐS (sửa đổi),…
Sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS để tăng nguồn cung cho thị trường. Quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương liên quan đến việc gỡ khó cho thị trường.
Đặc biệt, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ.
Giới quan sát cho biết, khi lãi suất hạ nhiệt, các lĩnh vực của nền kinh tế cũng sẽ nhanh chóng hồi phục, trong đó tác động trực tiếp và mạnh mẽ là BĐS. Chính do thiếu vốn, thị trường này đã trầm lắng suốt thời gian qua. Chưa kể, khi lãi suất huy động có xu hướng giảm, nhà đầu tư sẽ chuyển hướng dòng tiền để tìm các kênh đầu tư như BĐS.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) bày tỏ, cần phải đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục, rút ngắn các thủ tục cấp phép, giao đất để tạo ra sự đột phá, giúp tăng nguồn cung cho thị trường.