A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều tín hiệu tích cực cho bất động sản, kỳ vọng thị trường phục hồi nhanh

Một trong tín hiệu tích cực tác động mạnh đến thị trường là chỉ đạo của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Vướng mắc về nguồn vốn pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp cũng được một số bộ ngành đẩy mạnh việc gỡ vướng.

Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bất động sản của Thủ tướng

Công điện phát ra ngày hôm qua (14/12/2022) của Thủ tướng Phạm Minh Chính như “kim chỉ nam” trong tháo gỡ khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt. Thông tin này khiến giới đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin, sự lạc quan vào thị trường.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp và đẩy nhanh xử lý vướng mắc, còn doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, sản phẩm... để thị trường bất động sản sớm vượt khó.

Cụ thể, Bộ Xây dựng cần đề xuất sửa đổi các quy định chồng chéo gây cản trở dự án bất động sản, nhà ở, đô thị; rà soát và lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các thành phố, khu công nghiệp... nhằm đạt mục tiêu có ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội 10 năm tới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Các nhà băng cần cho vay, giải ngân nhanh với những dự án, doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện, có khả năng trả nợ, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.

Bộ trưởng Tài chính cũng được yêu cầu rà soát phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường địa ốc an toàn.

Giải pháp cứu trái phiếu

Mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 65 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 153 năm 2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm, cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Theo các chuyên gia, Nghị định 65 sẽ giúp thị trường tài chính ổn định trở lại về mặt thanh khoản. Khi thị trường tài chính ổn định, thị trường bất động sản được hưởng lợi.

Các nội dung mới liên quan đến Nghị định 65 cũng giúp doanh nghiệp bất động sản “dễ thở” hơn. Cụ thể, với điều kiện phát hành dễ dàng hơn sẽ gỡ khó một phần thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư giúp giảm nguy cơ vỡ nợ. Bên cạnh đó, các quy định này cũng mở ra cơ chế thoả thuận đối với trái phiếu, lấy tài sản hay chuyển đổi thành khoản vay giúp giảm nguy cơ vỡ nợ. Thời gian tới, làn sóng mua lại trái phiếu sẽ hạ nhiệt và áp lực đáo hạn trái phiếu cũng nhẹ nhàng hơn đối với doanh nghiệp địa ốc

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỉ đồng vốn cho nền kinh tế. Bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room này. Bước sang năm 2023, với chỉ tiêu room tín dụng mới, thị trường địa ốc sẽ đón nguồn tiền lớn từ phía nhà băng. Đây là động lực thúc đẩy thị trường địa ốc “phá băng”.

Bộ Xây dựng đẩy mạnh gỡ vướng pháp lý dự án

Một trong điểm nghẽn của thị trường địa ốc xuất phát từ sự chồng chéo về pháp lý. Vấn đề này sẽ được Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn. Sang năm 2023, một số bộ luật liên quan đến bất động sản được sửa đổi cũng sẽ góp phần vào hành trình “phá băng” cho thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật