Nỗi khổ trên thị trường bất động sản khổng lồ cạnh Việt Nam: Giảm gần 20% giá nhà vẫn chẳng ai mua, giấc mơ làm giàu tan thành mây khói
Thông qua các cuộc phỏng vấn với chủ nhà, môi giới bất động sản và các nhà phân tích, người Trung Quốc dường như mất dần niềm tin rằng nhà đất là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất.
Ảnh: Reuters
Quan niệm “bất động sản là nơi giữ của an toàn” tồn tại hàng thập kỷ qua của người Trung Quốc đang bị lung lay. Điều đó khiến các thị trường nóng hổi như Thượng Hải cũng hạ nhiệt và chính quyền gặp áp lực trong việc tìm kiếm các nguồn tăng trưởng kinh tế mới.
Theo dữ liệu do Centaline Group tổng hợp, giá nhà rao bán tại trung tâm tài chính Thượng Hải đã giảm 3 tháng liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ trước khi Trung Quốc mở cửa hậu Covid-19 vào cuối năm 2022.
Theo tờ Economic Observer, mặc dù số lượng nhà có sẵn tăng, nhưng hoạt động mua bán trong thành phố vào tháng 5 còn khoảng 16.000 căn, giảm 1/3 so với tháng 3.
Thông qua các cuộc phỏng vấn với chủ nhà, môi giới bất động sản và các nhà phân tích, sự suy giảm là do người Trung Quốc không còn tin rằng nhà đất là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất.
Giám đốc Jun Li của công ty tài chính Power Sustainable (Shanghai) Investment Management cho biết: “Dường như các chủ sở hữu nhà đều đồng tình rằng thị trường đã đạt đến đỉnh điểm”.
Tháo chạy
Một nhân viên ngân hàng gần đây đã bán căn hộ của mình ở quận Tĩnh An, Thượng Hải, với giá khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD). Anh coi đây là cơ hội cuối cùng để kiếm tiền từ sự bùng nổ của bất động sản.
Người đàn ông 35 tuổi này cùng gia đình còn sở hữu một số căn nhà khác ở Trung Quốc. Nhưng họ muốn giảm tỷ lệ tiếp xúc với loại tài sản này, do lĩnh vực bất động sản đang suy thoái. Giá nhà hiện tại ở 100 thành phố Trung Quốc ghi nhận mức giảm lớn nhất vào tháng 5/2023. Trong đó, Thượng Hải là nơi có thị trường trầm lắng nhất Trung Quốc.
Giám đốc Li cho biết mọi người đang tìm cách bán nhà do lo ngại về triển vọng kinh tế, nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp thiếu tiền mặt và tình trạng thất nghiệp.
Tại Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của Alibaba, một người bán nhà vùng ngoại ô đã phải giảm giá tới 17%, nhưng rao 6 tháng trời vẫn chưa có người mua. Thông tin này do một người môi giới nhà đất họ Gong cung cấp.
Niềm tin vào bất động sản Trung Quốc suy giảm đang khiến các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các biện pháp hỗ trợ mới để giữ cho nền kinh tế phát triển. Các cơ quan quản lý xem xét giảm giá nhà tại các vùng ven thành phố, giảm hoa hồng đối với nhà môi giới và nới lỏng những hạn chế đối với việc mua nhà.
Mô hình “chữ L” cho thị trường bất động sản
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs Group Inc., giai đoạn “ khát nhà” còn lâu mới quay trở lại. Họ cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc có thể trải qua “mô hình chữ L”.
“Chu kỳ này khác với chu kỳ trước. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như kiên quyết không sử dụng lĩnh vực bất động sản như một công cụ kích thích ngắn hạn”, các nhà phân tích viết trong báo cáo.
Ngoài ra, vấn đề già hoá dân số, việc hạn chế đưa cư dân vào các thành phố và tỷ lệ đô thị hoá tăng vọt cũng đang ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà.
Là nơi được các công ty quốc tế ưa chuộng, 1/4 số người nước ngoài tại Trung Quốc sinh sống tại Thượng Hải. Nhưng họ đang ồ ạt chuyển đi sau đợt phong toả kéo dài 2 tháng thời đại dịch.
Theo báo cáo của cơ quan European Union Chamber of Commerce, khoảng 25% người Đức sống trong thành phố đã rời đi, trong khi số lượng cư dân Pháp và Italy đồng loạt giảm 20%.
Theo một người môi giới họ Liu, tại khu phố Lianyang nổi tiếng với người nước ngoài và giới nhà giàu Thượng Hải, giá nhà giảm từ 15% đến 20% so với mức cao kỷ lục giữa năm 2021.
Vào tháng 4, cô Yi, 31 tuổi, đã rao bán căn nhà ở ngoại ô Thượng Hải với giá 4 triệu nhân dân tệ, giảm 11% so với giá dự kiến ban đầu. Số lượng nhà rao bán đạt mức cao kỷ lục 200.000 căn trong tháng đó. Cô nói: “Thị trường bây giờ là của người mua”.
Tham khảo: Bloomberg
Anh Dũng
Nhịp Sống Thị Trường