A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm tỉnh thành “siết” việc mua bán bất động sản "hai giá"

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình sẽ xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.

Mới đây, Sở Tư pháp tỉnh này đã có công văn về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Theo đó, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh khi giải quyết thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với đất cần kiểm tra đầy đủ điều kiện pháp lý của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; việc nhận quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật công chứng và văn bản pháp luật khác có liên quan, tránh tình trạng đứng tên nhận quyền sử dụng đất giúp cá nhân, tổ chức khác trái pháp luật.

Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cần giải thích, hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi ký kết hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản, trong đó lưu ý hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh phải ghi đúng giá thực tế mua bán, chuyển nhượng trong hợp đồng, giao dịch để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và cá nhân, tổ chức có hành vi liên quan đến việc trốn thuế và thu phí công chứng không đúng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra sôi động. Hàng loạt công ty môi giới, kinh doanh nhà đất được thành lập mới, lượng mua bán chuyển nhượng nhà đất cũng tăng lên. Chỉ riêng trong năm 2020, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đã tăng 20% so với năm 2019.

Theo Báo Quảng Bình, thực tế giá đất theo bảng giá của UBND tỉnh thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Ví dụ, đất mặt tiền các đường trục chính ở thị xã Ba Đồn theo quy định có giá cao nhất 4,7 - 5,8 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, thực tế các lô đất ở những vị trí này có giá thị trường cao hơn nhiều. Để “né thuế”, NNT thường khai giá chuyển nhượng ngang hoặc thấp hơn giá của UBND tỉnh.

Trong một số trường hợp, cơ quan Thuế phát hiện NNT khai giá chuyển nhượng thấp hơn so với giá quy định của UBND tỉnh nên đã ấn định ngang giá. Dù vậy, tỷ lệ thất thu thuế vẫn rất lớn. Nguyên nhân chính là UBND tỉnh quy định bảng giá đất chưa sát giá thị trường và không theo kịp sự biến động của giá cả thị trường bất động sản.

Giao dịch mua bán nhà đất là hợp đồng mua bán dân sự, phần lớn được thực hiện bằng tiền mặt trao tay. Vì thế, cơ quan chức năng khó có thể xác định rõ sự chênh lệch giữa giá mua bán thực tế với giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng (nếu có).

Điều này tạo ra kẽ hở khiến một số người cố tình khai thấp giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng để giảm bớt tiền thuế, phí phải nộp theo nghĩa vụ tài chính.

Cụ thể, bên bán thường sẽ đề nghị bên mua chỉ kê khai một mức giá tượng trưng trong hợp đồng chuyển nhượng để làm cơ sở tính thuế. Trong khi đó, số tiền thanh toán thực tế mà bên mua trả cho bên bán lớn hơn gấp nhiều lần. Hành vi này sẽ dẫn đến các trường hợp rủi ro cho các bên.

https://cafef.vn/them-tinh-thanh-siet-viec-mua-ban-bat-dong-san-hai-gia-20220218225223675.chn

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật