Founder startup bán bánh chưng đắt nhất Việt Nam: "Đưa sản phẩm xuất ngoại không phải mong muốn quá mơ mộng"
Sau 7 năm trên thị trường, Founder Nương Bắc - startup được biết đến với việc bán bánh chưng đắt nhất Việt Nam, muốn đưa thương hiệu bứt phá. Trong quá trình tìm đường đưa các sản phẩm xuất ngoại với mong muốn "xuất khẩu văn hóa thông qua ẩm thực", chị nhận thấy mục tiêu này không quá mơ mộng như suy nghĩ của nhiều người.
Với giá gần 600.000 đồng một hộp (2 bánh), Nương Bắc được xem là thương hiệu bán bánh chưng đắt nhất Việt Nam. Thành công nhờ sản phẩm "signature" này mở đường cho startup tiếp tục phát triển loạt sản phẩm mang tính truyền thống như cốm, quẩy, bánh trôi, bánh chay, bánh trung thu, bánh gio…
Chia sẻ về tình hình kinh doanh năm 2023 của Nương Bắc trong tập đặc biệt của series podcast Chapter 0 do Rising Vietnam thực hiện, Nhà sáng lập Nguyễn Hoài cho biết doanh thu vẫn tăng trưởng trong những tháng đầu năm bất chấp tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, thậm chí khả quan cho tới quý 3. Mặc dù Nương Bắc ghi nhận doanh thu giảm hồi quý 4/2023, doanh số cả năm vẫn tăng trưởng so với năm 2022.
Tuy nhiên, vấn đề của một thương hiệu đã tồn tại 7 năm trên thị trường là cần một cú bứt phá. Giai đoạn khó khăn năm 2023 lại là thời điểm để chị Hoài soi lại doanh nghiệp của mình.
"Thực ra cũng phải tự đặt câu hỏi rằng khi khó khăn thì mình lấy gì để cạnh tranh, làm gì để tồn tại, đâu là điểm mạnh nhất. Mọi người vẫn hay nói Nương Bắc là đơn vị bán bánh chưng đắt nhất Việt Nam, nhưng các thương hiệu ra sau giá đã cao hơn, Nương Bắc không còn là duy nhất. Không những làm theo, họ còn làm chỉn chu hơn, đầu tư rất bài bản. Đấy là áp lực khiến mình phải quay về xây dựng đội ngũ mạnh hơn và lấy đó làm năng lực cạnh tranh", nữ Founder phân tích.
Một trong những mục tiêu mà chị Hoài hướng đến là xuất khẩu. Trước đây Nương Bắc từng đưa được sản phẩm sang Úc, nhưng theo hình thức OEM (làm gia công).
"Ngày đấy tôi làm việc với tâm thế không cần lãi, chỉ cần biết cách làm. Đó là cơ hội để đánh giá sản phẩm của mình đang ở tầm nào, liệu có đáp ứng những tiêu chuẩn mà đối tác đang cần hay không. Việc vượt qua các bài kiểm tra giúp tôi biết có con đường cho sản phẩm của mình.
Bài toán tiếp theo là làm thế nào để tự xuất khẩu được sản phẩm, thay vì ngồi chờ đối tác OEM đến. Sau giai đoạn đó, tôi còn nhận thấy mong muốn xuất khẩu của mình không quá hàn lâm, mơ mộng, lớn lao như đánh giá của người khác", chị Hoài bày tỏ, nói thêm rằng mục tiêu của Nương Bắc trong năm 2024 là "tự thân vận động" xuất khẩu được ít nhất một hợp đồng.
"Xuất khẩu văn hóa thông qua ẩm thực" nằm trong kế hoạch phát triển của Nương Bắc. Theo quan điểm của chị Hoài, ngay cả khi chưa xuất khẩu được sản phẩm vật lý, thương hiệu vẫn cần truyền thông về câu chuyện, chẳng hạn như hướng đến các kiều bào ở nước ngoài để khi về nước họ có thể đến Nương Bắc mua sản phẩm.
Bước đệm để Nương Bắc chuẩn bị cho mục tiêu xuất khẩu bao gồm xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn và đội ngũ nhân sự mạnh. Khi cơ hội đến, khách hàng đã cảm thấy thuyết phục thì tất cả đã sẵn sàng.
"Sau khi chuyển đến nhà xưởng mới trong năm qua, Nương Bắc đã tiếp một đoàn của Hàn Quốc. Họ đang đàm phán về giá và mong muốn xuất khẩu sang thị trường của họ", chị Hoài hào hứng tiết lộ.
Minh Anh
Theo Minh Anh
An ninh tiền tệ