Năm tuyệt chủng của giới khởi nghiệp: 543 startup phá sản, 50.000 công ty thoi thóp chờ rót vốn, nhà đầu tư lâm cảnh đi không được, ở cũng chẳng xong
Dù thị trường startup khá đen tối nhưng cũng có một số điểm sáng le lói nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo AI.
Hãng tin CNN cho hay năm 2023 được coi là một năm “tuyệt chủng” (Extinction) của giới khởi nghiệp khi các nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD vào thị trường này đang chẳng hề hài lòng chút nào.
Trong những năm trước đây, hàng loạt nhà đầu tư thiên thần hay những quỹ đầu tư mạo hiểm đã kiếm lời lớn nhờ đổ tiền cho những startup khởi nghiệp. Bất kỳ một ý tưởng hay sáng kiến nào dường như cũng có thể trở thành “doanh nghiệp tỷ USD” nếu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công.
Hàng loạt những “kỳ lân” (Unicorn), vốn là các startup được định giá tới 1 tỷ USD, xuất hiện trên thị trường.
Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt chỉ sau 1 năm. Từ những dự đoán về “thị trường chỉ điều chỉnh nhất thời” cho đến câu chuyện buồn về bữa tiệc tàn toàn mảng khởi nghiệp.
Thậm chí CNN nhận định nhà đầu tư hiện nay có những kênh chi tiền khác hấp dẫn hơn nhiều để tối ưu hóa tài sản, hoặc chỉ đơn giản là để “trú ẩn” trong thời buổi khó khăn. Ví dụ chỉ số trái phiếu tổng hợp của Bloomberg US cho thấy hiệu suất đầu tư trái phiếu tại Mỹ đạt tới 4,5% trong tháng 11/2023, mức cao nhất kể từ năm 1985 đến nay.
Rõ ràng, việc để tiền trên tại các kênh an toàn như trái phiếu, vàng... còn cho mức lợi nhuận cao hơn cả kênh đầu tư startup vốn đang có quá nhiều rủi ro.
Ngay cả các ông lớn làng công nghệ như Apple, Amazon, Alphabet (Google) và Microsoft cùng phải cắt giảm nhân sự để đối phó nguy cơ khủng hoảng thì những startup nhỏ hơn khó lòng sống yên ổn.
Số liệu của Pitchbook cho thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho mảng khởi nghiệp trên toàn cầu đã giảm hơn một nửa trong năm ngoái so với cùng kỳ năm trước đó. Số tiền mà các nhà khởi nghiệp gọi vốn được cho năm 2023 cũng được cho là ở mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Riêng trong năm 2023, khoảng 543 startup đã phải đóng cửa và đây mới chỉ là con số những startup nằm trong hệ thống thống kê của Carta.
Vô số những startup từng huy động được rất nhiều tiền như WeWork (11 tỷ USD) hay Convoy (900 triệu USD) đều đã nộp đơn xin phá sản trong 2 tháng qua.
Những startup còn lại thì đang thoi thóp cầm cự chờ rót vốn, nhưng nhà đầu tư thì chẳng còn mặn mà như trước nữa.
Hãng tin CNN cho hay tình hình của thị trường khởi nghiệp hiện nay tồi tệ đến mức nhiều người phải dùng đến từ “Tuyệt chủng” (Extinction).
Thế rồi vô số nhà đầu tư cũng đổ tiền vào những startup này với kỳ vọng chúng sẽ tăng lên mức giá trị mong muốn để kiếm lời.
Tuy vậy bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn và khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ với nền kinh tế xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng 2008, các khách hàng bắt đầu cắt giảm chi tiêu, còn nhà đầu tư thì rút vốn vì lo ngại suy thoái.
Hậu quả là hàng loạt những startup như đưa cơm, tập gym hay bán xe cũ tại Mỹ lao đao vì chúng được liệt vào danh sách có cũng được mà chẳng có cũng chẳng sao.
Giáo sư Thomas Eisenmann của trường đại học Harvard, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Why Startups Fail” nhận định sự phát triển của công nghệ đã kích thích đà bùng nổ của những startup không thiết yếu.
Tuy nhiên nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra những công ty khởi nghiệp này có mức chi phí cố định quá cao trong khi lợi nhuận biên chẳng nhiều và đương nhiên tốc độ tăng trưởng cũng như khả năng đem về lợi ích cũng kém hơn so với các startup công nghệ thuần túy.
Đồng quan điểm, chuyên gia chiến lược Ben Wynkoop của hãng tư vấn Blue Yonker lấy ví dụ rất nhiều startup bán cơm hộp hiện nay vốn chuyên ngành công nghệ nhưng lại nghĩ rằng mình có thể tạo ra cuộc cách mạng trong mảng thực phẩm.
Tuy nhiên họ lại không nhận ra rằng trong ngành này, nhu cầu của khách hàng mới là chủ chốt chứ không phải độ tiện lợi của phần mềm dịch vụ.
Một trường hợp điển hình là việc tập đoàn Nestle mua lại Freshly, một startup dịch vụ giao đồ ăn tận nhà, với giá 950 triệu USD năm 2020. Vào thời kỳ đỉnh cao trong năm đại dịch, Freshly từng tự hào tuyên bố đã giao hàng hơn 1 triệu bữa ăn/tuần cho thị trường Mỹ.
“Bữa tiệc này không thể kéo dài mãi”, giáo sư Margaret O’Mara của trường đại học Washington ngậm ngùi.
Theo Nikkei, số lượng các Unicorn đang giảm mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh giới nhà đầu tư quan ngại rủi ro suy thoái kinh tế.
Với nguồn vốn cạn kiệt, số lượng kỳ lân mới trung bình hàng tháng đã giảm xuống chỉ còn hơn 7 công ty trong nửa đầu năm, giảm 80% so với mức đỉnh hồi 2021, theo dữ liệu từ PitchBook.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm đang chuyển hướng sang những doanh nghiệp bền vững, có triển vọng lâu dài hơn là những startup mới nổi nhằm thu lợi nhanh chóng.
Điều này trái ngược hoàn toàn với năm 2021 - thời điểm trung bình mỗi tháng thế giới chứng kiến sự ra đời của 50 kỳ lân, chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc. Số lượng kỳ lân tăng mạnh khi quỹ Vision của SoftBank và các nhà đầu tư khác đổ tiền vào các startup “giai đoạn sau”.
Báo cáo của PitchBook cho thấy hiện có hơn 50.000 công ty được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm ở Mỹ đang đối mặt nguy cơ thiếu vốn cao, con số nhiều gấp đôi so với năm 2016.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà đầu tư không rút hết vốn khỏi startup để tích tiền mặt hoặc chuyển sang kênh khác đầu tư sinh lời?
Thế nhưng việc nguồn vốn bị siết chặt do lãi suất cao, vụ bê bối ngân hàng SVB vỡ nợ khiến nhiều doanh nghiệp bị chậm tiến độ IPO. Trong khi đó nếu vẫn ở trạng thái doanh nghiệp tư nhân thì cơ hội bán được cổ phiếu của nhà đầu tư sẽ ít hơn và với mức giá bèo bọt.
Lối thoát duy nhất trong tình cảnh này là bán dự án cho một tập đoàn lớn, thế nhưng ngay cả các Big Tech cũng đang phải siết chặt chi phí thì lựa chọn này cũng không khả thi nốt.
Về câu chuyện rút vốn, những đồng tiền đã giải ngân cho startup thì hầu hết đã được “đốt” để mở rộng, nghiên cứu hoặc phát triển. Phần lớn các startup chưa có lợi nhuận hay dòng tiền để có thể hoàn trả cho nhà đầu tư, việc bán cổ phiếu thì chẳng ai mua hoặc quá rẻ mạt như đã nói ở trên.
Tình hình mất sức hút của thị trường khởi nghiệp khiến số “bột khô”, tiếng lóng để chỉ lượng vốn đã cam kết nhưng vẫn đang chờ giải ngân của các startup, trong năm 2023 tăng lên mức cao kỷ lục vì các nhà đầu tư do dự.
Số liệu của S&P Global Market Intelligence và Preqin cho thấy các startup có đến 2,59 nghìn tỷ USD vốn đầu tư đã cam kết nhưng chưa giải ngân năm 2023, mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Chính vì nguyên nhân này mà vô số các startup hay hãng công nghệ tích cực sa thải nhân viên trong năm qua nhằm tiết kiệm chi phí cũng như để làm hài lòng nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn.
Theo nền tảng theo dõi việc làm Layoffs.fyi, hơn 250.000 nhân viên của các công ty công nghệ đã bị sa thải trong năm 2023.
Con số đó bao gồm các vụ sa thải hàng loạt ở những người khổng lồ trong ngành như Meta Platforms và Google và hàng nghìn việc làm người bị cắt giảm từ các startup.
Hậu quả là người lao động đang rời bỏ ngành công nghệ để đến những bến đỗ khác.
“Ngay cả các kỹ sư công nghệ cũng đang phải thỏa hiệp, chấp nhận những vai trò kém ổn định hơn, môi trường làm việc khắc nghiệt hoặc lương và phúc lợi thấp hơn”, nhà sáng lập Roger Lee của Layoffs.fyi thừa nhận.
Theo Layoffs.fyi, trong năm 2023, có 1.150 công ty công ty công nghệ sa thải nhân viên. Số lượng nhân viên mất việc lên đến 256.499 người. Ở năm trước đó, cũng đã có 1.064 công ty cắt giảm 164.969 nhân viên.
Sự đảo ngược vận may bất ngờ khiến một số nhà sáng lập startup choáng váng, dẫn đến việc nhiều dự án khởi nghiệp đã phải “bán mình” với giá rẻ sau khi tiến hành sa thải nhân viên.
May mắn thay, sự thành công của ChatGPT đã cứu vãn được một năm ảm đạm của ngành công nghệ khi AI trở thành xu thế mới hấp dẫn nhà đầu tư. Cổ phiếu của Microsoft, hãng đã đầu tư cho OpenAI và ChatGPT, hay Nvidia, tập đoàn chuyên về chip AI, đều tăng mạnh. Nhờ đó nhiều startup về AI cũng huy động được vốn khi thu hút được thêm nhà đầu tư.
Dẫu vậy con đường của startup và ngành công nghệ vẫn còn khá mờ mịt khi sức nóng của ChatGPT dần suy giảm.
Do đó liệu năm 2024 có trở thành một năm “hiệu quả” (Efficiency) như nhiều tập đoàn mong muốn hay không vẫn là điều nghi vấn.
*Nguồn: CNN