Cuộc "binh biến" chấn động ngành TMĐT 2023: 105.000 nhà bán lũ lượt rời bỏ Shopee, Lazada, Tiki...; "thế lực mới" TikTok Shop có thêm 95.000 "tân binh" bán hàng
Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thì những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.
Báo cáo Toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 2023 do Metric công bố mới đây cho biết, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến (Shopee, Lazada,Tiki, Sendo, TikTok Shop) năm vừa qua đã đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Thị phần doanh thu 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTokShop, Sendo tăng từ 31,4% năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C.
So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 đến năm 2023. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới.
Đã có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công, tăng 52,3% so với năm trước đó. Mức tăng trưởng cao nhất đạt 89,9% vào tháng 9. Đây cũng là tháng đạt doanh thu cao nhất trong năm với 21,1 nghìn tỷ đồng trên cả 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo. Theo Metric, người tiêu dùng không còn thói quen đợi đến cuối năm mới tập trung mua sắm mà giờ đây nhu cầu mua sắm trải đều trongnăm. Khoảng thời gian tháng 8 trở đi là thời điểm người tiêu dùng bắt đầu mua sắm mạnh nhất.
Tuy nhiên, TMĐT năm 2023 cũng ghi nhận "mảng xám" khi có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Ngoài ra, nếu như thị trường năm 2022 ghi nhận tăng 8.965 shop Mall so với năm 2021 thì đến năm 2023 lại giảm tới giảm 6.669 shop Mall mặc dù doanh thu shop Mall tăng mạnh hơn 20.000 tỷ đồng so với năm 2022. Số liệu này cho thấy việc cân nhắc loại hình shop trên sàn bán lẻ trực tuyến cần được tính toán phù hợp với chi phí duy trì, sản phẩm và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động.
Cụ thể hơn theo từng lĩnh vực, trong ngành hàng làm đẹp, số nhà bán rút lui khỏi toàn thị trường lên tới hơn 5.000 shop, mặc dù năm 2023 sàn TikTok Shop đã ghi nhận thêm 20.000 nhà bán mới tham gia vào thị trường. Như vậy, 25.000 shop ngừng kinh doanh ở 4 sàn bán lẻ trực tuyến còn lại. Sự cạnh tranh ở ngành hàng làm đẹp đang vô cùng khốc liệt và xu hướng dịch chuyển lên Shop Mall ngày một rõ rệt, dự kiến điều này vẫn tiếp tục trong năm 2024.
Với ngành hàng bách hóa, số nhà bán rút lui khỏi toàn thị trường lên tới hơn 4.000 shop mặc dù năm 2023 sàn TikTok Shop đã có thêm 10.000 nhà bán mới tham gia vào ngành hàng này. Như vậy, 14.000 shop ngừng kinh doanh ở 4 sàn bán lẻ trực tuyến còn lại. Tỷ lệ doanh thu từ shop thường có xu hướng tăng so với các năm trước.
Số nhà bán trong ngành điện gia dụng rút lui khỏi toàn thị trường lên cũng ở mức 2.000 shop, mặc dù năm 2023 sàn TikTok Shop đã có thêm 4.000 nhà bán mới tham gia vào ngành hàng này. Như vậy, 6.000 shop ngừng kinh doanh ở 4 sàn bán lẻ trực tuyến còn lại.
Metric dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thì những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.