613 phòng giao dịch bưu điện của LienVietPostBank có thể đóng cửa sau khi VNPost thoái vốn
Theo nhận định của công ty chứng khoán VNDirect, sau khi VNPost thoái vốn, các phòng giao dịch bưu điện của LienVietPostBank sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, và sau đó là đóng cửa.
Công ty chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và cho biết LienVietPostBank có thể mất phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thoái vốn.
VNPost dự kiến bán đấu giá 140,5 triệu cổ phần LienVietPostBank (tương đương 8,1% vốn điều lệ) vào ngày 21/4/2023. Theo một số thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo thông tư quy định khi VNPost giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, các phòng giao dịch bưu điện của LienVietPostBank sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã nhận trước đó. Các phòng giao dịch bưu điện sẽ đóng cửa sau khi các khoản tiền gửi được chi trả.
Dựa trên dữ liệu năm 2021, LienVietPostBank vận hành 613 phòng giao dịch bưu điện, bên cạnh 76 chi nhánh và 480 phòng giao dịch thông thường. VNDirect nhận định, các phòng giao dịch bưu điện từ lâu đã được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của LienVietPostBank.
Năm 2022, LienVietPostBank đạt mức tăng trưởng tín dụng 12,8% so với cùng kỳ, thấp hơn tăng trưởng hệ thống là 14,5% và thấp hơn nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, về mặt huy động vốn, tiền gửi khách hàng tăng 19,3%, tốt hơn phần lớn các ngân hàng khác. Vào cuối quý 4/2022, tiền gửi cá nhân chiếm tới 65% tổng tiền gửi của LienVietPostBank, cao hơn mức 50% của toàn hệ thống.
Tăng trưởng tiền gửi cao của LienVietPostBank cho thấy sức mạnh thương hiệu của ngân hàng và mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng lớn trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngân hàng có thể mất lợi thế phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thoái vốn trong thời gian tới.
Trong năm 2023-2024, VNDirect ước tính LienVietPostBank sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 12%/năm. Có khả năng LienVietPostBank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn kỳ vọng hiện tại khi ngân hàng đã phát hành 3.000 tỷ đồng cổ phiếu và lợi nhuận cao trong năm 2022 giúp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn lên mức 13% vào cuối quý 4/2022. LienVietPostBank vẫn có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới thêm 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành mới cho cổ đông.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu ngân hàng tăng khoảng 15 điểm cơ bản lên 1,5% vào cuối năm 2022. Một điểm tích cực liên quan đến chất lượng tài sản LienVietPostBank là ngân hàng này không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và có tỷ trọng cho vay thấp đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển bất động sản (chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ cho vay). Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn, chi phí dự phòng LienVietPostBank vẫn có thể tăng trong thời gian tới.