Các ngân hàng trung ương sẵn sàng tung đòn mạnh để áp chế lạm phạt
Giá tiêu dùng tăng cao nhất trong hàng thập kỷ đã khiến các ngân hàng trung ương phải can thiệp mạnh tay. Trong khi Ngân hàng trung ương Canada dự kiến trong ngày hôm nay sẽ tăng lãi suất, thì Ngân hàng Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) cũng cân nhắc thực hiện bước đi tương tự từ tháng 3/2022.
Tuy nhiên, câu hỏi về tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ, cũng như tác động đối với giá cả và hoạt động kinh tế lại đang khiến các thị trường lo ngại.
Là yếu tố gây bất ngờ trong năm 2021, lạm phát được dự báo tiếp tục gây ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay. Đặc biệt, tại các nền kinh tế phương Tây, lạm phát được ghi nhận cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tháng 12/2021, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng tới 5% trong 1 năm, chưa từng thấy kể từ khi Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat thành lập năm 1997. Tại Anh, lạm phát cũng cao nhất trong vòng 30 năm và ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới đang chứng kiến giá tiêu dùng tăng 7% trong năm 2021, cao nhất kể từ năm 1982.
Ảnh minh họa - KT
Theo chuyên gia phân tích tài chính Greg Mcbride tại Bankrate.com, biến thể Omicron lây lan và đẩy giá cả tăng lên đã khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ phải thay đổi chiến lược. Các thị trường dự báo sẽ có 4 đợt tăng lãi suất ở mức 25 điểm phần trăm mỗi đợt và bắt đầu ngay từ tháng 3/2022.
“FED đang chịu áp lực phải kiềm chế lạm phát và điều này đã làm thay đổi quan điểm của họ. Họ đã từ trạng thái thoải mái với lạm phát cao, coi nó là tạm thời trong năm 2021 và đến bây giờ nhận ra rằng họ đang ở phía sau, cần phải tăng tốc" - chuyên gia phân tích tài chính Greg Mcbride nói.
Tương tự tại Canada, tỷ lệ lạm phát trong tháng 12/2021 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 30 năm, khi người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hóa và thiết bị gia dụng. Ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ tăng lãi suất ngay trong ngày hôm nay, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại lạm phát cao sẽ kéo dài. Ngay cả Ngân hàng trung ương châu Âu dù cho rằng, đây là một xu hướng nhất thời, song mới đây cũng đã tăng dự báo lạm phát trong năm nay lên 3,2%, cao gấp 2 lần so với dự báo cách đây chỉ 3 tháng. Không chỉ các nền kinh tế phát triển, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều đang phải gồng mình chống chọi với một khoảng thời gian khắc nghiệt khi biến thể Omicron dễ lây lan đã gây ra một làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2022 của cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, đồng thời cảnh báo áp lực giá tăng cao có khả năng sẽ kéo dài hơn so với dự báo do sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và giá năng lượng cao. Theo IMF, dù đã có sự chuẩn bị tốt hơn, song các quốc gia vẫn cần cảnh giác trước sự tàn phá kinh tế mà làn sóng lây nhiễm Covid-19 có thể gây ra./.