Thu hút FDI tháng 6 đạt mức cao nhất từ đầu năm
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tháng 6, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua với 439 dự án cấp mới, 152 lượt điều chỉnh vốn và 350 lượt vốn góp, mua cổ phần. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được củng cố.
Báo cáo nhanh tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 6 tháng đầu năm 2025, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, về tình hình đăng ký đầu tư, trong 6 tháng, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2025 theo tháng.
Cụ thể, có 1.988 dự án đầu tư mới (tăng 21,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký mới đạt gần 9,3 tỷ USD. Có 826 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 31,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 8,95 tỷ USD (gấp 2,2 lần cùng kỳ). Ngoài ra, có 1.708 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 7,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD (tăng 73,6% so cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,17 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,18 tỷ USD và 902,9 triệu USD.
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,2%) và số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 56,5%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 40,9%).
Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2025 theo ngành.
Theo đối tác đầu tư, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, chiếm hơn 21,4% tổng vốn đầu tư, giảm 24,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3 tỷ USD, chiếm gần 14,3% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia với số vốn lần lượt là 2,55 tỷ USD; 2,15 tỷ USD và 1,59 tỷ USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, Malaysia, Thụy Điển ghi nhận mức tăng đột biến, Malaysia tăng 20 bậc so với cùng kỳ, nổi bật với dự án xây dựng Công viên Yên Sở tại Hà Nội (tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1,12 tỷ USD) điều chỉnh vốn trong tháng 5, Thụy Điển tăng 59 bậc với dự án cấp mới lớn trong tháng 6 là Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester (tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD) đầu tư lĩnh vực sản xuất polyester tái chế, tái chế phế liệu dệt may thành hạt nhựa tại Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Gia Lai.
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 18,5%) và số giao dịch GVMCP (chiếm 26,5%).
Đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2025 theo đối tác.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2025. TP Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,66 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ. Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 3,15 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,1% so với cùng kỳ. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 2,2 lần và vốn góp, mua cổ phần tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2024. Cả số lượng dự án đầu tư mới, số lượt điều chỉnh vốn và giao dịch vốn góp, mua cổ phần đều tăng, phản ánh rõ nét niềm tin ngày càng được củng cố của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.
Riêng trong tháng 6, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua với 439 dự án cấp mới, 152 lượt điều chỉnh vốn và 350 lượt vốn góp, mua cổ phần.
Các đối tác đầu tư lớn nhất vẫn là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia) đã chiếm 62,8% số dự án đầu tư mới và 65% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư của cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Riêng 6 địa phương dẫn đầu đã chiếm trên 64,7% số dự án mới và 62,4 % số vốn đầu tư của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2025.
Tuy nhiên, một số yếu tố rủi ro địa chính trị và chính sách vẫn hiện hữu. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể tạo ra tâm lý lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn trong quá trình giải ngân, nhất là với các dự án quy mô lớn, dài hạn.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2025, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 86 dự án mới và thực hiện 18 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt trên 487,1 triệu USD (gấp hơn 3,5 lần cùng kỳ).