Chỉ trong một tuần, gần chục ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm
Trong những ngày qua, tất cả các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm đều theo chiều hướng giảm lãi suất.
Cũng trong sáng 15/3, ngân hàng ACB điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Nhà băng này chỉ điều chỉnh lãi suất tại kỳ hạn tiền gửi 12 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm ACB tại kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 4,7%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm dưới 200 triệu đồng.
Với mức giảm tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đối với tài khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng là 4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 4,85%/năm. ACB giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại.
Ngày 13/3, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng chính thức điều chỉnh giảm 0,1-0,3 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn từ 1-18 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm PGBank giảm 0,3 điểm % áp dụng cho kỳ hạn 1-3 tháng: 2,6% (1 tháng), 2,7% (2 tháng) 3%/năm (3 tháng).
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm 0,1 điểm % còn 4%/năm. PGBank giảm 0,3 điểm phần trăm cho các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, và 18 tháng lần lượt còn: 4,3%, 4,5% và 4,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 24-36 tháng giữ nguyên 5,2%/năm.
Cùng ngày, biểu lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng NCB được điều chỉnh theo chiều hướng giảm xuống. Theo đó, lãi suất tiết kiệm truyền thống dao động quanh ngưỡng từ 3,3 - 5,4%, giảm trung bình 0,2 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh trước.
5,1% là mức lãi suất tiết kiệm NCB áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng. Các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, lãi suất gửi tiết kiệm lần lượt là 4,9% và 5%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh gần nhất. Trong khi đó, NCB giảm 0,3 điểm phần trăm cho kỳ hạn từ 9-10 tháng, neo ở mức 4,45%/năm. Các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiết kiệm dao động từ 3,2 - 3,4%/năm.
Ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, nhà băng này giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi từ 1-36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm tại MB hiện áp dụng 2,1%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng: 2,3%/năm, 3 tháng: 2,5%/năm, 4 tháng: 2,7%/năm, 5 tháng: 2,7%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 - 7-8 tháng là 3,5%/năm, 9-10 tháng là 3,6%/năm, 11 tháng là 3,7%/năm.
Lãi suất gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12-15 tháng là 4,6%/năm và 18 tháng là 4,7%/năm. Ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cao nhất 5,6%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng đến 60 tháng.
Tiếp đến là ngân hàng Techcombank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng. Biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất Techcombank thấp hơn mức cũ, có hiệu lực từ ngày 11/3/2024.
Đối với kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm còn 2,35%/năm; 3-5 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm còn 2,45%/năm. Lãi suất các kỳ hạn còn lại giữ nguyên. Cụ thể, kỳ hạn 6-8 tháng vẫn áp dụng mức lãi suất là 3,5%/năm, 9-11 tháng 3,55%/năm.
Mức lãi suất cao nhất thông thường mà ngân hàng này hiện áp dụng là 4,5%/năm, cho kỳ hạn 12 tháng-36 tháng.
Ngân hàng Dong A Bank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm từ ngày 11/3/2024. Theo đó, ngân hàng này giảm đồng loạt 0,2 điểm phần trăm tại tất cả các kỳ hạn.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm Dong A Bank công bố, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-5 tháng còn 3,3%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng còn 4,3%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng còn 4,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 4,8%/năm.
Dong A Bank vẫn duy trì lãi suất một số kỳ hạn trên mức 5%/năm, dù vừa hạ lãi suất. Lãi suất ngân hàng cao nhất thuộc về kỳ hạn 13 tháng, lên đến 5,1%/năm. Các kỳ hạn 18-36 tháng có lãi suất mới là 5%/năm.
Như vậy, trong tuần qua, khảo sát sơ bộ cho thấy, có tới 7 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, ước tính 13 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bao gồm: Agribank, ACB, PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank.
Đáng chú ý, một số ngân hàng ghi nhận 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất tính từ đầu tháng như BaoViet Bank, GPBank, BVBank, PGBank.
Theo đánh giá từ báo cáo của các công ty chứng khoán, từ giờ đến cuối năm nay, ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi huy động khi mặt bằng đã về thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19.