A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số không chỉ ở kênh giao dịch, mà còn cả trong quy trình nội bộ ngân hàng

Chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là yêu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển của các ngân hàng thương mại. Với nhiều ngân hàng, chuyển đổi số không chỉ ở kênh giao dịch, mà còn diễn ra cả trong quy trình nội bộ, quản trị dữ liệu và vận hành.

 

image(7).png

Tham gia thảo luận tại Hội nghị “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2025 - WFIS 2025”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Công ty Tradepass tổ chức trong 2 ngày 15-16/4, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu sống còn với ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh và nhu cầu khách hàng thay đổi nhanh chóng. Do đó, định hướng của VietinBank là chuyển đổi số không chỉ ở kênh giao dịch, mà còn cả quy trình nội bộ, quản trị dữ liệu và vận hành.

Còn tại ngân hàng OCB, ông Frank Lương, Giám đốc Công nghệ thông tin OCB cho biết, ngân hàng đã có một số thành tựu nhất định như số hoá quy trình mở tài khoản, cấp tín dụng online... Qua chia sẻ, ông Frank Lương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ giữa công nghệ và con người – nghĩa là không chỉ triển khai hệ thống, mà còn đào tạo đội ngũ hiểu và làm chủ công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số PVcomBank đưa ra quan điểm, việc số hoá cần gắn với hành trình khách hàng, không chỉ là dùng App hay Chatbot, mà phải thực sự tối ưu trải nghiệm. Đặc biệt chú trọng đến việc khai thác dữ liệu để cá nhân hoá dịch vụ và tăng trải nghiệm khách hàng.

Dù hoạt động chuyển đổi số đều được các ngân hàng triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, đại diện các ngân hàng tham gia thảo luận tại hội nghị và giới chuyên môn cũng có chung nhận định vẫn còn nhiều rào cản và thách thức trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng, có thể kể đến như: thiếu đồng bộ dữ liệu và công nghệ cũ. Nhiều ngân hàng đang gặp tình trạng dữ liệu nằm rải rác, không có hệ thống trung tâm, khiến việc ra quyết định hoặc phân tích AI gặp khó khăn. Các hệ thống Core Banking cũ nên khó tích hợp công nghệ mới; nhân lực chưa sẵn sàng, bởi không phải ai trong ngân hàng cũng hiểu công nghệ, nên khi triển khai chuyển đổi số thường gặp tâm lý ngại thay đổi hoặc thiếu kỹ năng vận hành hệ thống mới...; hành lang pháp lý chưa đầy đủ; tâm lý khách hàng còn sự phân hóa, khi nhiều khách hàng vẫn quen với các giao dịch truyền thống...

Để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực tăng trưởng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đề xuất: (1) Hoàn thiện hành lang pháp lý như ban hành Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghiệp số và khung Sandbox cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech); (2) Tăng cường đào tạo và đầu tư vào R&D, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, an ninh mạng, thương mại số xuyên biên giới; (4) Xây dựng văn hóa số và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Trước những khó khăn, thách thức trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân đề xuất xây dựng hệ sinh thái số gắn kết giữa ngân hàng – doanh nghiệp – khách hàng. Cũng như, sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng hơn cho các sản phẩm tài chính số mới, đặc biệt là dịch vụ qua App, định danh điện tử eKYC...

Còn trong nội tại các ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng cần tăng tốc số hoá quy trình tín dụng, phê duyệt, hậu kiểm… để giảm phụ thuộc giấy tờ và tăng tốc độ ra quyết định.

Trong khi đó, ông Frank Lương nhấn mạnh việc cần đồng bộ dữ liệu giữa các phòng ban, tránh tình trạng “ngân hàng có dữ liệu mà không khai thác được”, cũng như ứng dụng AI trong phân tích hành vi khách hàng để cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, kiến nghị cơ quan quản lý có chính sách thúc đẩy hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thay vì cạnh tranh – tạo ra mô hình Win-Win.

Chia sẻ tầm nhìn 3 - 5 năm tới, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng, "dữ liệu sẽ là tài sản chiến lược", qua đó cần định hướng xây dựng ngân hàng theo hướng "data-driven", ra quyết định dựa trên dữ liệu real-time. Tích cực triển khai Machine Learning để tự động hoá các quyết định rủi ro, chấm điểm tín dụng và gợi ý sản phẩm phù hợp...

“Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ – mà là mô hình kinh doanh mới”, ông Frank Lương nhấn mạnh và cho biết OCB hướng tới phát triển ngân hàng mở (Open Banking), hợp tác mạnh mẽ với Fintech và các bên thứ 3 qua API. Song song với đó, OCB sẽ tập trung vào siêu cá nhân hoá trải nghiệm – không chỉ gợi ý sản phẩm, mà còn tư vấn đầu tư, chi tiêu phù hợp theo thói quen khách hàng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, bà Nguyễn Thị Nga chỉ ra rằng "mọi thứ sẽ xoay quanh mobile”. Từ nhận định trên, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, PVcomBank cam kết đưa 100% dịch vụ ngân hàng lên ứng dụng di động trong 3 năm tới; đồng thời kết hợp công nghệ Chatbot AI + RPA để tự động hóa quy trình phục vụ – từ chăm sóc khách hàng đến giải quyết khiếu nại; định hướng trở thành ngân hàng thân thiện với Gen Z, nhanh – mượt – không rào cản.

Với một chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, TS. Cấn Văn Lực tin rằng, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ và gặt hái nhiều thành công hơn. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam bứt phá, đạt được mục tiêu nền kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030 và vươn lên nhóm các quốc gia dẫn đầu khu vực về đổi mới sáng tạo và công nghệ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật