Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, quỹ ngoại quy mô gần 20.000 tỷ khai xuân rực rỡ
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa có tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận hiệu suất dương, mức tăng trưởng NAV đạt 6,85% trong tháng 1/2024, vượt trội so với VN-Index.
Sau một năm 2023 chật vật "về bờ", Pyn Elite Fund đã khởi đầu năm mới 2024 đầy khởi sắc với hiệu suất đầu tư đạt 6,85% trong tháng 1, vượt trội so với mức tăng 3,04% của VN-Index. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp quỹ ngoại đến từ Phần Lan ghi nhận hiệu suất dương.
Theo Pyn Elite Fund, kết quả trên được thúc đẩy bởi sự phục hồi xuất sắc của ACV và cổ phiếu ngân hàng. Thời điểm cuối tháng 1/2024, quy mô danh mục quản lý của Pyn Elite Fund lên đến hơn 747 triệu EUR (~19.650 tỷ đồng). Trong đó, 5 khoản đầu tư lớn nhất đều là ngân hàng bao gồm STB, HDB, CTG, MBB, TPB chiếm tổng tỷ trọng 50,7%.
ACV là khoản đầu tư lớn thứ 6 trong danh mục của Pyn Elite Fund với tỷ trọng 7,5%. Theo sau là cổ phiếu của 2 công ty chứng khoán DNSE và SHS. Trong đó, DNSE là cái tên đáng chú ý khi mới triển khai đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngay đầu năm 2024. Trước đó, Pyn Elite Fund và DNSE đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác, theo đó, quỹ ngoại đến từ Phần Lan sẽ nắm giữ 12% vốn và trở thành cổ đông lớn thứ hai tại công ty chứng khoán này.
Theo lý giải của Pyn Elite Fund, cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của quỹ có hiệu suất khả quan một phần nhờ lợi nhuận tăng trưởng cao. Tổng thu nhập quý 4/2023 của 6 ngân hàng trong danh mục của quỹ đã tăng 31% so với cùng kỳ 2022. Tính chung cả năm 2023, con số này là 18% trong khi phần còn lại không bao gồm ngân hàng có tổng thu nhập âm 13% so với năm 2022.
Trong quý 4/2022, vụ việc liên quan đến ngân hàng chưa niêm yết SCB gây căng thẳng tạm thời cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của Pyn Elite Fund, vụ việc được xử lý tốt và các ngân hàng niêm yết không liên quan, không bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2024.
Bên cạnh đó, quỹ ngoại này cũng cho biết, phần lớn nợ xấu là từ "cho vay nội bộ" của SCB đã được xử lý kể từ năm 2022. Nợ xấu của 15 ngân hàng hoạt động bình thường lớn nhất vẫn được duy trì tốt và đạt đỉnh chỉ 2,34% trong quý 3/2023, trước khi giảm xuống 1,91% trong quý 4.
Về tình hình vĩ mô, hoạt động thương mại có đà tăng trưởng trong tháng 1 với xuất khẩu tăng 6,7% so với tháng trướcvà tăng 42% so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 33% so với cùng kỳ 2023. PMI sản xuất quay trở lại tăng trưởng và đang ở mức 50,3 vào tháng 1, được hỗ trợ bởi đổi mới mở rộng số lượng đơn đặt hàng và sản xuất mới.
Bên cạnh đó, FDI giải ngân cũng tăng 9,6% trong khi FDI đăng ký tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. CPI tháng 1/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giảm so với mức tăng 3,6% vào cuối năm ngoái. Lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu hơn trên diện rộng, gần mức thấp nhất trong lịch sử.
Hà Linh
Đời sống Pháp luật