A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHĐCĐ LienVietPostBank (LPB): Ông Nguyễn Đức Thụy chia sẻ về định hướng phát triển ngân hàng thời gian tới

Chiều ngày 23/4/2023, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

 

Đoàn Chủ toạ ĐHĐCĐ thường niên 2023 LienVietPostBank.

Đoàn Chủ toạ ĐHĐCĐ thường niên 2023 LienVietPostBank.Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT LPB – ông Nguyễn Đức Thuỵ, cho biết năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu mà cổ đông thông qua, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% năm 2021, vượt 19% kế hoạch. Ngân hàng tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN.

LienVietPostBank giữ vững vị thế một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2022, ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tính thanh khoản. Ngân hàng cũng đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, thu nhập từ phí.

Theo báo cáo của ban điều hành, tín dụng thị trường 1 của LPB tăng 12,8% trong năm qua, sử dụng hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Huy động vốn thị trường 1 năm 2022 đạt 250.936 tỷ đồng, tăng 16%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng luôn tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN và trong năm 2022 đã đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III.

Về vốn điều lệ, ngân hàng đã tăng từ 12.036 tỷ đồng lên 17.291 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch.

Mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ đồng

Năm 2023, LPB lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 310 tỷ so với năm 2022, tức tăng trưởng 5,4%. Tổng tài sản dự kiến đạt 375.000 tỷ đồng, tăng 14,4%; Huy động thị trường 1 đạt 295.740 tỷ đồng, tăng 17,8%; Tín dụng thị trường 1 đạt 273.490 tỷ đồng, tăng 16%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

ĐHĐCĐ LienVietPostBank (LPB): Ông Nguyễn Đức Thụy chia sẻ về định hướng phát triển ngân hàng thời gian tới - Ảnh 1.

 

Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 19%

Năm nay, LPB có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 328,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ chia 19%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 3.285 tỷ đồng.

Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngoài ra, ngân hàng còn có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô 5.000 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể do HĐQT quyết định.

Ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương quy mô theo mệnh giá là 3.000 tỷ đồng. Giá bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể do HĐQT quyế định. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại LPB sauk hi phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cho NĐT nước ngoài là 15,5% vốn điều lệ.

Phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP

Bên cạnh đó, LPB dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá. Mức giá cụ thể do HĐQT quyết định. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của LPB sẽ tăng thêm 11.385 tỷ đồng, từ 17.291 tỷ đồng lên 28.676 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ LienVietPostBank (LPB): Ông Nguyễn Đức Thụy chia sẻ về định hướng phát triển ngân hàng thời gian tới - Ảnh 2.

 

Đổi tên viết tắt thành “LPBank”

Tại Đại hội, ngân hàng trình cổ đông thông qua việc đổi tên viết tắt tiếng Anh. Ngân hàng cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt sử dụng tên viết tắt, tên viết tắt bằng tiếng Anh chính thức là “LienVietPostBank” trên tất cả các văn bản pháp lý và kênh truyền thông. Tuy nhiên, nhược điểm của tên gọi này là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Trong khi xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.

Do đó, Hội đồng quản trị ngân hàng trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt việc thay đổi tên viết tắt của ngân hàng từ “LienVietPostBank” thành “LPBank”.

Bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới

Một nội dung quan trọng khác, LPB sẽ tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ IV (2023-2028).

Danh sách thành viên dự kiến tham gia HĐQT có 7 người, gồm: ông Nguyễn Đức Thuỵ (hiện là Chủ tịch HĐQT LPB), ông Huỳnh Ngọc Huy (đang là Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Hồng Phong (đang là thành viên HĐQT), ông Nguyễn Văn Thuỳ, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến (đang là Quyền TGĐ), ông Bùi Thái Hà (đang là Phó TGĐ thường trực).

Trong đó, ông Nguyễn Văn Thuỳ được biết đến là em trai của ông Nguyễn Đức Thuỵ.

Danh sách đề cử này không có ông Phạm Doãn Sơn và ông Dương Công Toàn, bà Dương Hoài Liên (thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ).

Danh sách nhân sự dự kiến vào Ban Kiểm soát có 4 người, gồm bà Dương Hoài Liên (đang là thành viên độc lập HĐQT), ông Trần Thanh Tùng (đang là Trưởng BKS), bà Nguyễn Thị Lan Anh (đang là thành viên không chuyên trách BKS) và ông Nguyễn Phú Minh.

Ngân hàng cũng trình phương án mua/nhận chuyển nhượng/thuê tài sản làm văn phòng làm việc cho Trụ sở chính và các Chi nhánh của ngân hàng. Cụ thể, HĐQT LienVietPostbank trình đại hội phương án mua Toà nhà số 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà nội làm văn phòng làm việc cho Trụ sở chính tại Hà Nội. Giá chuyển nhượng tối đa theo giá trị định giá của một công ty thẩm định giá độc lập.

Phần hỏi đáp:

Cổ đông: Trong xu thế chuyển đổi số, ngân hàng (NH) đã có sự chuẩn bị gì cho hoạt động này?

Ông Hồ Nam Tiến – Quyền Tổng Giám đốc: Chuyển đổi số là trụ cột chính trong chiến lược phát triển của ngân hàng thời gian tới. Trong 2022, LPB đã làm việc với đối tác tư vấn về hệ thống CNTT làm cơ sở đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. LPB cũng thành lập văn phòng chuyển đổi để thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, cũng như trải nghiệm, tương tác với khách hàng.

Theo xu hướng hiện nay, các NH đều tăng trích lập dự phòng rủi ro, đề nghị NH chia sẻ về vấn đề này và tỷ lệ bao phủ nợ xấu là bao nhiêu?

Ông Bùi Thái Hà – Phó TGĐ thường trực: Tình hình kinh tế năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức. Chúng tôi dự báo tình hình kinh tế phục hồi chậm, dẫn tới nợ quá hạn có thể tăng thời gian tới. Chúng tôi trích lập dự phòng đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật. Đến 31/12/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 142%, điều này thể hiện bộ đệm tài chính tương đối lành mạnh, vững vàng giúp ngân hàng vượt qua khó khăn thời gian tới.

NH đánh giá hiệu quả việc hợp tác giữa LPB và VNPost thời gian qua như thế nào?

Ông Bùi Thái Hà: Dựa trên cơ sở thoả thuận hợp tác, chúng tôi đã mở rộng mạng lưới đến 63 tỉnh thành phố, phân bổ đều đến các khu vực nông thôn. Huy động vốn của NH trên kênh bưu điện tăng 11 lần. NH phối hợp với VNPost phục vụ nhiều khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đưa sản phẩm dịch vụ đến vùng sâu vùng xa, góp phần lớn hạn chế tín dụng đen ở khu vực này. Chúng tôi cũng triển khai nhiều sản phẩm khác như thu hộ, chi hộ, thẻ, LienViet24h.

Hiện nay LPB đang khống chế room nước ngoài 5%, NH có kế hoạch nới room hay tìm NĐT chiến lược hay không?

Ông Hồ Nam Tiến: Hiện tại NH đang trong quá trình tìm kiếm NĐT phù hợp với chiến lược của NH. Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ trình cổ đông cũng đã có kế hoạch này.

Tăng trưởng tín dụng 2022 là bao nhiêu? LPB cho vay BĐS chiếm bao nhiêu trong tổng danh mục tín dụng?

Ông Hồ Nam Tiến: Tăng trưởng tín dụng năm 2022 hơn 26 nghìn tỷ, trong đó tăng trưởng cho lĩnh vực nông thôn là hơn 14.000 tỷ. Tỷ lệ cho vay BĐS chiếm 14% trong tổng tín dụng, đều có tài sản đảm bảo, có chất lượng tín dụng.

Hiện nay LPB có phân phối TPDN không? Rủi ro khi đầu tư TPDN tại thời điểm này?

Ông Bùi Thái Hà: Cuối 2022 có những sự kiện liên quan đến một số doanh nghiệp vi phạm phát hành TPDN, ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư, và cũng có ảnh hưởng thanh khoản hệ thống NH. Tuy nhiên, LPB hiện nay không đầu tư hay phân phối TPDN. Điều này giúp NH không gặp những bất lợi do thị trường này thời gian tới.

Chúng tôi chủ yếu đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo thanh khoản. Một phần nhỏ chúng tôi đầu tư vào TP của tổ chức tín dụng uy tín trên thị trường.

Việc mở rộng nhiều phòng giao dịch có mâu thuẫn với xu hướng chuyển đổi số hiện nay không?

Ông Hồ Nam Tiến: Chúng ta đã mở rộng mạng lưới mạnh những năm qua. Đến 2022 thì LPB có 561 điểm giao dịch NH và hơn 600 điểm PGD bưu điện. Mạng lưới phủ tới các huyện thì là cơ sở để chúng ta tiếp cận khách hàng.

Song song với đó, kênh số cũng được thúc đẩy để tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, khi sản phẩm đòi hỏi quản trị rủi ro cao thì mạng lưới phòng giao dịch phát huy tác dụng, phục vụ khách hàng, đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ chứ không chỉ các sản phẩm trên kênh số. Nhu cầu của khách hàng từ đó được đáp ứng đầy đủ.

Đề nghị cho biết quan điểm về lãi suất năm 2023?

Ông Hồ Nam Tiến: Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn theo sát tình hình diễn biến lãi suất. Hiện nay, NHNN định hướng ưu tiên giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong năm 2023. 

Tỷ lệ CASA của LPB vì sao không tăng lên?

Ông Hồ Nam Tiến: CASA về số tuyệt đối có tăng nhưng về tỷ lệ thì không tăng. Hiện nay thì huy động vốn của LPB rất vững chác. Năm 2022 có những biến động bất thường trên thị trường tài chính, có sự dịch chuyển tiền gửi do sự cố của SCB, nhưng tiền gửi tại LPB vẫn ổn định, người dân vẫn tin tưởng gửi tiền tại ngân hàng. LPB cũng phát huy thế mạnh phủ sóng đến vùng sâu vùng xa, tiếp cận nguồn vốn thực sự nhàn rỗi của người dân. Nguồn vốn này ổn định, ít bị biến động, giúp ngân hàng chủ động trong cân đối sử dụng vốn.

VNPost lại thoái vốn khỏi LPB không thành công. Nhưng nếu thành công thì ảnh hưởng sao tới việc hợp tác 2 bên ?

Ông Bùi Thái Hà: Giá khởi điểm mà VNPost đưa ra là hơn 22.000 đồng, nhưng giá trên thị trường mới 14.000-15.000 đồng, có thể là một trong những lý do thoái vốn chưa thành công.

Theo chủ trương thì VNPost phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. LPB không thể can thiệp hoặc tác động gì tới quá trình thoái vốn này. Căn cứ vào sự chấp thuận của nhiều Bộ ban ngành thì VNPost và LPB thực hiện thoả thuận hợp tác toàn diện 50 năm. Kể cả trong trường hợp VNPost thoái thành công thì không ảnh hưởng gì tới thoả thuận này.

Ngân hàng có sự thay đổi lớn về nhân sự cấp cao thời gian vừa qua. Là người đứng đầu ngân hàng, chủ tịch LPB có định hướng ngân hàng như thế nào thời gian tới?

Ông Nguyễn Đức Thuỵ: Thời gian tới, LPB vẫn sẽ phát triển các trụ cột chính để tăng trưởng an toàn bền vững. NH tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá ngân hàng, kiên định với chiến lược bán lẻ, đặc biệt khu vực nông thôn trên lợi thế mạng lưới phủ rộng toàn quốc. Ngân hàng sẽ tái cấu trúc NH theo hướng tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nâng cao quản trị rủi ro, kiểm soát nợ xấu.

LPB đã có 15 năm xây dựng, phát triển, tạo được một nền tảng vững chắc. Chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới, quyết liệt hành động. Nhiệm kỳ 2023-2028, LPB sẽ nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông, cung cấp sản phẩm tối ưu cho khách hàng, số hoá toàn diện, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua an sinh xã hội. Tầm nhìn của LPB là trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Đại hội thông qua tất cả tờ trình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật