A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng tuần qua: Tín phiếu bắt đầu đáo hạn, 7 nhà băng công bố lợi nhuận quý 3, sôi động hoạt động M&A

Tâm điểm ngành ngân hàng tuần qua là kết quả kinh doanh của các nhà băng, hoạt động M&A và hoạt động điều tiết thị trường mở của NHNN.

 

Ngân hàng tuần qua: Tín phiếu bắt đầu đáo hạn, 7 nhà băng công bố lợi nhuận quý 3, sôi động hoạt động M&A

NHNN bơm trả thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong 2 phiên cuối tuần

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất. Tuy nhiên, số lượng thành viên tham gia và khối lượng tín phiếu trúng thầu đã giảm mạnh trong 2 phiên cuối tuần, đồng thời lãi suất tăng lên 1,45% - mức cao nhất từ khi NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu vào giữa tháng 9.

Lượng tín phiếu trúng thầu bất ngờ giảm sâu trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên phát hành trong phiên 21/9 và 22/9 bắt đầu đáo hạn. Với tổng lượng tín phiếu đáo hạn đạt gần 20.000 tỷ đồng, Nhà điều hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 14.100 tỷ trong hai phiên cuối tuần. Dù vậy, tính chung trong cả tuần qua, NHNN vẫn hút ròng 35.900 tỷ đồng ra khỏi hệ thống.

Đến cuối tuần qua, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn gần 241.600 tỷ đồng. Số tín phiếu này sẽ lần lượt đáo hạn từ đầu tuần sau đến giữa tháng 11. Trường hợp NHNN không phát hành tín phiếu mới, hệ thống ngân hàng sẽ được bơm trả số tiền tương ứng và thanh khoản các nhà băng sẽ trở nên dồi dào hơn.

Đã có 7 ngân hàng công bố lợi nhuận quý 3

Cập nhật đến ngày 22/10 đã có 7 ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 gồm VPBank (VPB), PGBank (PGB), BacABank (BAB), Saigonbank (SGB), LPBank (LPB), NCB (NVB) và TPBank (TPB).

Kết thúc quý 3, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt gần 1.600 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với quý III/2022. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của TPBank ghi nhận gần 5.000 tỷ đồng, giảm 16% so với mức hơn 5.900 tỷ cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của LPBank trong quý 3/2023 đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41% so với quý 2 và tăng 0,65% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả trên, LPBank là ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, sau Saigonbank.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.

BCTC của Saigonbank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có được chủ yếu nhờ ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động (giảm 4,4% so với cùng kỳ xuống 149 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm 26% xuống 15 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 248 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét chung 9 tháng, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng vẫn đến từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro (giảm 50% xuống còn hơn 100 tỷ đồng).

Tại VPBank , lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong quý 3/2023 đạt 3.117 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ, tuy nhiên đã có sự cải thiện so với quý 1 và quý 2/2023.

Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.

BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 ở mức 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế BacABank đạt 551 tỷ đồng, giảm 23%.

PGBank báo lãi trước thuế quý 3/2023 là 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.  Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.

Trong quý 3, NCB báo lỗ hơn 244 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 199 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này lỗ hơn 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 180 tỷ.

VPBank hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC

Ngày 20/10, VPBank thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược đồng hành cùng VPBank trong chặng đường phát triển sắp tới.

VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, ngân hàng chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC – ngân hàng trực thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. (SMFG), Nhật Bản. Với giá trị 1,5 tỷ USD tương đương 35.900 tỷ đồng, đây là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

SeABank bán công ty tài chính cho AEON Group

SeABank tuần qua cũng thông báo chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá chuyển nhượng là 4,3 nghìn tỷ đồng.

Thỏa thuận chuyển nhượng PTF sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính của SeABank.

Bên cạnh thương vụ này, SeABank còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng “phản biện” nhận xét về bất cập của chính sách tiền tệ

Phát biểu tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 16/10 liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, phía NHNN đã lắng nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến phát biểu của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thấy rằng về cơ bản báo cáo thẩm tra đã đánh giá rất toàn diện, chỉ rõ những mặt được và những mặt cần lưu ý để Chính phủ cũng như NHNN điều hành tốt hơn đối với lĩnh vực CSTT trong năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Với Báo cáo thẩm tra thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm nêu một số nhận định về hạn chế trong điều hành CSTT, NHNN mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc ý kiến đánh giá “Việc quá chú trọng đến kiểm soát lạm phát theo nhiều ý kiến cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt là cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trong bối cảnh DN khó khăn”.

Giải trình thêm vấn đề này, Thống đốc cho biết, những ý kiến nêu trên là nhìn từ từng góc độ riêng lẻ. Việc điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng của NHNN phải theo tinh thần bám sát những yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đứng trên cục diện tổng thể của nền kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu phải giảm mặt bằng lãi suất, phải đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và cũng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, trong việc điều hành CSTT những tháng cuối năm 2022 khi thế giới tăng lãi suất rất cao, nhưng xét thấy trong năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội nên những tháng đầu năm, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành và không có việc điều chỉnh tăng như các nước.

Tuy nhiên đến tháng 10/2022, sự kiện SCB bị rút tiền hàng loạt xảy ra nên NHNN phải tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ giống như sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới. Do vậy, mọi giải pháp lúc đó phải tập trung cho việc ngăn ngừa tính đổ vỡ hệ thống.

“Lúc đó các TCTD cũng căng thẳng về thanh khoản, một số TCTD còn bị thiếu dự trữ bắt buộc và nguy cơ mất khả năng chi trả hiện hữu nên tại thời điểm đó NHNN chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng bởi vì các ngân hàng phải tập trung để đáp ứng khả năng chi trả cho người dân. Tuy nhiên, đến tháng 10, 11/2022 khi thanh khoản được cải thiện, thì đầu tháng 12, NHNN đã điều chỉnh ngay tăng trưởng tín dụng”, Thống đốc cho hay.

Giải trình thêm về ý kiến "lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành CSTT và tài khóa", Thống đốc cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cân nhắc bởi ý kiến này cũng chỉ nhìn về vấn đề lạm phát và lãi suất, còn điều hành về lãi suất cũng như các công cụ của CSTT phải căn cứ vào các nhiệm vụ, như: mục tiêu lạm phát, các dự báo xu hướng của lạm phát trên thế giới và trong nước và cũng phải đáp ứng các yêu cầu về ổn định tỷ giá, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

“Trong các nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào mà cần phải có một sự hài hòa, linh hoạt trong điều hành. Nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt”, Thống đốc cho hay.

Dẫn câu chuyện của nước Mỹ và một số nước năm 2021, Thống đốc cho biết, lãnh đạo các nước này đã đánh giá lạm phát chỉ là tạm thời và lúc đó CSTT của họ cũng chưa thắt chặt. Nhưng sang năm 2022, lạm phát bùng phát, tất cả các nước đều phải thực hiện CSTT thắt chặt rất nhanh và mạnh. Điều này đã tác động rất lớn đến tất cả các nền kinh tế và kinh tế toàn cầu.

Sau đó, năm 2022, bản thân lãnh đạo của các bộ chức năng Mỹ thừa nhận sai lầm là họ đã đánh giá đấy là lạm phát tạm thời. Cho nên để thấy được là đối với điều hành, chúng ta cũng không thể chủ quan với lạm phát.

“NHNN cũng thấy trong đánh giá thẩm tra Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã nêu rất rõ là lạm phát đã có xu hướng đảo ngược, từ tháng 7, 8, 9 đã có xu hướng tăng lên và lạm phát cơ bản giảm nhưng giảm chậm thì đây cũng là những yếu tố để có thể lưu ý trong điều hành CSTT”, Thống đốc phát biểu.

 

Mạnh Đức

Nhịp sống Thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật