A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng vật vã đòi nợ, rao bán trong vô vọng, cực chẳng đã phải lôi nhau ra tòa

Vật vã rao bán cục nợ nghìn tỷ của doanh nghiệp vẫn không có khách mua nên ngân hàng lại phải hạ giá xuống; nhiều khoản nợ khó đòi hàng chục tỷ đồng, cực chẳng đã đành phải lôi nhau ra toà để giải quyết....

 

Ngân hàng vật vã bán cục nợ nghìn tỷ của đại gia khoáng sản

Từ mức giá khởi điểm 2.404 tỷ đồng cho việc đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh, sau 10 lần rao bán nhưng không có khách mua, Ngân hàng BIDV đã phải hạ giá xuống còn chưa đến một nửa, 1,15 nghìn tỷ đồng.

Vừa rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh (Công ty Ngọc Linh), đây là lần thứ 11 BIDV Chi nhánh Nam Hà Nội thông báo bán đấu giá khoản nợ này kể từ lần đầu vào tháng 12/2020.

Tổng dư nợ tính đến ngày 30/4/2022 là 2.198 tỷ đồng và 20,036 triệu USD. Trong đó. dư nợ gốc là 1,110 nghìn tỷ đồng và 11,888 triệu USD. Dư nợ lãi, phí phạt là 1.088 tỷ đồng và 8,148 triệu USD.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm: Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Nhà máy toạ lạc trên khu đất có diện tích 64,388 ha, thời hạn sử dụng đến ngày 26/9/2057; xe ô tô Lexus LS 460  sản xuất năm 2007; quyền sử dụng 14.500 m2 đất tại xã Lạc Hồng huyện huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Đức Tuấn (Giám đốc công ty) và vợ là bà Trần Thị Vui tại địa chỉ 381 đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Ngân hàng vật vã đòi nợ, rao bán trong vô vọng, cực chẳng đã phải lôi nhau ra tòa - Ảnh 1.
 
Nhiều thiết bị, dây chuyền tại Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh phơi mưa, nắng trong gần 10 năm qua.

Trong lần công bố đấu giá thứ 11 này, BIDV mong muốn bán được “cục nợ” với giá 1.154 tỷ đồng. Mức giá này đã giảm tới 1.250 tỷ đồng so với giá khởi điểm 2.404 tỷ đồng được ngân hàng phát ra trong đợt đấu giá lần 1, tháng 12/2020.

Công ty Ngọc Linh là chủ đầu tư Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công suất 30.000 tấn/năm. Dự án được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỉ đồng, sau đó được nâng lên tới 2.170 tỉ đồng. Tuy nhiên, do lựa chọn, thẩm định các dự án còn thiếu sâu sát, doanh nghiệp năng lực kém, công nghệ chế biến lạc hậu, hầu hết các nhà máy giờ đắp chiếu, gây thất thoát tài nguyên cả trăm tỷ đồng. Cho đến nay, nhà máy này chưa một lần được vận hành chính thức.

Ngân hàng vật vã đòi nợ, rao bán trong vô vọng, cực chẳng đã phải lôi nhau ra tòa - Ảnh 2.
 
Một góc Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh.

Vietcombank với khoản nợ khó đòi từ Việt Trường Sơn

Vietcombank TP Hồ Chí Minh vừa rao bán khoản nợ trị giá 33,398 tỷ đồng (nợ gốc 12,064 tỷ đồng, nợ lãi 21,333 tỷ đồng) của Công ty TNHH Việt Trường Sơn (Công ty Việt Trường Sơn).

Đáng chú ý, đây là lần thứ 15 Vietcombank rao bán khoản nợ khó đòi này. Ở lần thông báo đấu giá thứ 15, Vietcombank đưa ra giá khởi điểm là 20,6 tỷ đồng, giảm hơn 18 tỷ đồng, giảm gần nửa so với lần đầu tiên vào tháng 4/2020.

Công ty Việt Trường Sơn có trụ sở tại 18 Đường D2 nối dài, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, do ông Võ Văn Cang là người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề chính của công ty là buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy. Tuy nhiên, đến nay công ty đã dừng hoạt động.

Khoản nợ của Việt Trường Sơn tại Vietcombank đến từ các hợp đồng tín dụng ký năm 2009 và 2011. Năm 2019, Toà án Nhân dân quận Bình Thạnh, TP.HCM từng thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn Vietcombank và bị đơn là Công ty Việt Trường Sơn.

Được biết, tài sản thế chấp cho các hợp đồng tín dụng này gồm 6 quyền sử dụng đất tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Lôi nhau ra toà, chịu mất cả tiền án phí

Trong số các ngân hàng tích cực rao bán những khoản nợ khó đòi, OceanBank là ngân hàng có những khoản nợ xấu dai dẳng nhất, hình thành từ trước thời điểm Chủ tịch Hà Văn Thắm bị khởi tố hình sự (tháng 11/2014). Nổi bật trong số đó là khoản nợ của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long (công ty Pegasus Thăng Long).

Khác với thông lệ, giá khởi điểm cho việc đấu giá các khoản nợ xấu sẽ giảm dần (không quá 10%) theo các lần đấu giá, nhưng OceanBank lại tăng dần giá đấu khởi điểm do nhà băng này tính thêm tiền lãi phát sinh. Với khoản nợ gốc 175 tỷ đồng của Công ty Pegasus Thăng Long, tính cả tiền lãi phát sinh, khoản nợ xấu này từng được rao bán với giá khởi điểm 373 tỷ đồng trong đợt rao bán lần 1, tháng 12/2020.

Tuy nhiên, trong lần rao bán thứ 10 mới đây, khoản nợ xấu này được ngân hàng rao bán với giá lên tới 452 tỷ đồng.

Pegasus Thăng Long (tên cũ là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh) chính là doanh nghiệp do cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm thành lập vào năm 2013 dưới danh nghĩa công ty con của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH). Tháng 5/2014, OCH bán 100% vốn đang sở hữu tại công ty này cho một cá nhân là ông Lê Mạnh Linh để thu về số tiền 30 tỷ đồng. Mặc dù bán đi doanh nghiệp này với số tiền vỏn vẹn 30 tỷ đồng nhưng ngay sau đó OceanBank lại hào phóng cho Pegasus Thăng Long vay hàng trăm tỷ đồng với tài sản đảm bảo chỉ là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ góp vốn tại dự án “Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng và quản lý sau đầu tư Cụm công nghiệp Bình Phú” giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh và Công ty TNHH MTV Mika.

Bất lực trong việc đòi nợ, OceanBank từng kiện Pegasus Thăng Long ra TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội vào năm 2017. Chẳng những không đòi được nợ, OceanBank còn phải tạm ứng án phí sơ thẩm với số tiền 512,7 triệu đồng. Hiện tại, TAND TP Hà Nội vẫn đang trong quá trình thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Không chỉ với khoản nợ xấu của Pegasus Thăng Long, danh sách các con nợ khó đòi tại OceanBank còn có những cái tên như: CTCP Sản xuất Nhật Minh, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư TM XNK Tùng Lâm, CTCP Đầu tư Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội, CTCP Phát triển Giải trí Xứ sở Hạnh phúc,….

Những khoản nợ của các doanh nghiệp nói trên đều được OceanBank rao bán trên 10 lần trong vô vọng. Tổng giá trị các khoản nợ này lên đến hàng nghìn tỷ đồng, các hợp đồng tín dụng này được ký dưới thời ông Hà Văn Thắm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật