A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022, nhưng định giá cổ phiếu đã giảm đáng kể về mức hấp dẫn

Theo phân tích của FiinGroup, sức khỏe ngành Bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

Nếu tính trong vòng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu ngành ngân hàng thường xuyên chìm trong sắc đỏ và là một trong những nhóm tác động tiêu cực nhất tới thị trường chung. Hầu hết thị giá cổ phiếu ngân hàng đều có mức giảm trên 30% và không có bất kỳ một cổ phiếu ngân hàng nào lội ngược dòng tăng trưởng dương. Nguyên nhân được cho đã gây ra giảm mạnh thời gian qua chủ yếu do việc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn tín dụng, lo ngại nợ xấu gia tăng do doanh nghiệp bất động sản, hoạt động thanh tra trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng và áp lực lạm phát đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên điểm tích cực là sau chuỗi giảm sâu, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ghi nhận phục hồi tốt trong những phiên gần đây. Điều này đem lại sự phấn khởi cho nhiều nhà đầu tư nhóm ngành này.

Ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022, nhưng định giá cổ phiếu đã giảm đáng kể về mức hấp dẫn - Ảnh 1.

Loạt cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong phiên 23/6

Trong báo cáo mới công bố, FiinGroup cho biết tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng trong quý 1/2022 tăng +8,2% so với quý trước đó. Nếu xét theo cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 22,2% và chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận suy giảm, còn lại đều tăng trưởng dương.

Lãi thuần từ dịch vụ giảm 12,1% so với kỳ trước sau khi tăng mạnh trong quý 4/2021, tuy nhiên vẫn tăng +14% so với quý 1/2021. Mức tăng trưởng cao so với quý trước của các hoạt động còn lại đến từ các hoạt động khác (+83,3%) và ngoại hối (+21,7%), trong khi thu nhập từ chứng khoán giảm mạnh (-52,7%).

Lợi nhuận sau thuế (LNST) của 27 ngân hàng niêm yết tăng +51% so với kỳ báo cáo liền trước và +31% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản 5.558 tỷ đồng gia hạn hợp đồng bảo hiểm của VPB, mức tăng trưởng LNST thực tế chỉ đạt lần lượt là 5,7% và 17,7%.

Ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022, nhưng định giá cổ phiếu đã giảm đáng kể về mức hấp dẫn - Ảnh 2.
 

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nợ xấu đang dần tăng lên và có thể tiếp tục tăng lên trong các quý tới khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt khi thời hạn tái cơ cấu nợ của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN là 30/6/2022 đang tới gần. FiinGroup cho rằng đây sẽ là áp lực với một số ngân hàng, đặc biệt là với những ngân hàng có hệ số bao phủ nợ xấu thấp và chưa trích lập đủ. Trong khi đó, những ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng với hệ số bao phủ nợ xấu cao sẽ không đáng lo ngại, thậm chí các ngân hàng đã trích lập 100% nợ tái cơ cấu sẽ còn có cơ hội hoàn nhập dự phòng.

Trong quý 1/2022, chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) giảm xuống mức thấp 30,1%. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng 2/3 hạng mục chi phí lớn giảm so với quý trước gồm chi phí nhân viên (-3,5%) và chi cho tài sản (-34%) có tính chu kỳ giảm vào quý đầu năm. Cụ thể, chi phí nhân viên luôn giảm vào quý 1 sao khi tăng vào quý 4 do các khoản thưởng cuối năm, trong khi chi cho tài sản cũng có xu hướng tăng cao vào cuối năm và giảm vào quý đầu năm tiếp theo.

"Nếu so với cùng kỳ, chi cho tài sản vẫn tăng 6% trong khi chi phí nhân viên tăng 16,7%. Như vậy, các ngân hàng không có nhiều cải thiện về hiệu quả hoạt động", FiinGroup cho hay.

Ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022, nhưng định giá cổ phiếu đã giảm đáng kể về mức hấp dẫn - Ảnh 3.
 

Về tình hình kinh doanh năm nay, có tới 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng LNST khoảng 33% so với cùng kỳ. Theo FiinGroup, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này.

Nguyên nhân thứ nhất được cho là bởi thu nhập lãi thuần sẽ khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng NIM như cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay sẽ cân bằng với việc tăng COF trong bối canh ác yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện, tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng cùng xu hướng tăng theo FED và các ngân hàng trung ương. Cùng với đó, tín dụng các quý sau khó có thể giữ mức tăng trưởng cao như quý 1/2022 do khả năng hạn chế room tín dụng. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ cao để bù đắp cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên khi hết thời hạn cơ cấu nợ vào 30/6/202. Ngoài các ngân hàng đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các ngân hàng còn lại. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do rủi ro vỡ nợ chéo vẫn đang hiện diện.

Một yếu tố khác cần theo dõi là sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản. Theo phân tích của FiinGroup, ngành Bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

Tuy nhiên, điểm tích cực được chỉ ra là sau đợt điều chỉnh mạnh, định giá cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã trở nên mức hấp dẫn hơn. Định giá P/E dự báo cho năm 2022 của khối Ngân hàng ở mức 7,1 lần, thấp hơn 25% so với P/E hiện tại (9,5 lần). Với tỷ trọng 30% tổng vốn hóa và 43% tổng lợi nhuận toàn thị trường, các ngân hàng có tác động lớn lên định giá P/E chung. Xét theo P/B, nhờ mức giảm khoảng 20% từ đầu năm đến nay về giá, định giá nhóm ngân hàng vào khoảng 1,7 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 2 lần.

Ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022, nhưng định giá cổ phiếu đã giảm đáng kể về mức hấp dẫn - Ảnh 4.
 

Về triển vọng, FiinGroup cho rằng một số ngân hàng đáng chú ý với kế hoạch tăng trưởng cao có định giá hiện tại đã về xấp xỉ giá trị sổ sách (STB, LPB, SHB), trong đó STB và LPB có LLCR tương đối cao, giúp các ngân hàng hạn chế việc tăng chi phí dự phòng trong năm nay. Tuy nhiên, cần lưu ý là các ngân hàng này mức độ rủi ro cao hơn và chất lượng tài sản thấp hơn so với một số ngân hàng khác.

Nhìn xa hơn trong năm 2023, trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất và thắt chặt cho vay những lĩnh vực rủi ro của, FiinGroup cho rằng điều này sẽ tác động không đồng đều và tạo thành sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận trong ngành Ngân hàng.

Trước đó, Agriseco Research trong báo cáo ngành Ngân hàng cũng duy trì triển vọng tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ (1) dư địa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sau khi dịch bệnh được khống chế; (2) các chính sách mới Chính phủ ban hành: (2a) gói hỗ trợ lãi suất 2% giúp ngân hàng gia tăng thu nhập lãi thuần và (2b) kéo dài thời hạn áp dụng Nghị định 42 về thí điểm xử lý nợ xấu giúp hỗ trợ chất lượng tài sản; (3) kế hoạch 2022 tăng trưởng tích cực; (4) kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ dự kiến sẽ triển khai trong năm và (5) mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đã trở về trạng thái hấp dẫn.

Trong trung và dài hạn, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chuyển mình và là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ (1) quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư; (2) quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.

https://cafef.vn/nganh-ngan-hang-kho-dat-muc-tieu-tang-truong-loi-nhuan-2022-nhung-dinh-gia-co-phieu-da-giam-dang-ke-ve-muc-hap-dan-20220623152218037.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật