A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Ngân hàng tỉnh Bến Tre góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Khép lại năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh Bến Tre đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với mặt bằng lãi suất cho vay trong năm qua liên tục giảm so với năm trước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…

 

z6203840903275_431409a43b6308f940c66a8577d1c256.jpg

Hình minh họa

Ông Lê Công Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre chia sẻ, đến cuối năm 2024, vốn huy động trên địa bàn tăng 11% so với cuối năm 2023; dư nợ tín dụng tăng 12% so với cuối năm 2023.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế tỉnh, gồm: dư nợ cho vay khu vực I chiếm 30,5%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay khu vực II chiếm 18,8%/tổng dư nợ và dư nợ cho vay khu vực III chiếm 50,7%/tổng dư nợ. Lĩnh vực ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đáng chú ý, các giải pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, người dân được triển khai đầy đủ, có trách nhiệm, mặt bằng lãi suất được duy trì thấp hợp lý, giảm 1,31% so với năm 2023, góp phần chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Công tác chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được tăng cường, giữ vững đà phát triển mạnh mẽ.

Về công tác thanh toán không dùng tiền mặt tăng 35% về số lượng và tăng 25% về giá trị so với năm 2023, trong đó thanh toán qua mã QR tăng vượt bậc với tỷ lệ tăng 130%; hơn 63% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã được chi trả thông qua tài khoản ngân hàng; tỷ lệ khách hàng cá nhân đã thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học đạt 70% - thuộc nhóm tỉnh có tỷ lệ tốt của cả nước.

Bên cạnh là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục đóng góp hỗ trợ, vận động các hội sở ngân hàng tài trợ thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền khoảng 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì mô hình dân vận khéo “Ngân hàng Bến Tre sẻ giọt máu hồng” với 3 đợt vận động hiến máu tình nguyện và trên 500 đơn vị máu được hiến mỗi năm.

Đóng góp vào sự tăng trưởng ở địa phương, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện kế hoạch, các tổ chức tín dụng đã chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân; chủ động tiếp cận khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Vai của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế tỉnh là rất quan trọng, những kết quả đồng hành của ngành Ngân hàng Bến Tre đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tỉnh trong năm 2024.

Bước qua năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, ngành Ngân hàng Bến Tre đang quyết tâm, nỗ lực “tăng tốc, bứt phá, về đích” đồng hành cùng tỉnh Bến Tre để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra (phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 6,0% - 6,5%), tập trung phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Song hành đó, “ngành Ngân hàng Bến Tre cũng cần hòa lực cùng với nền kinh tế tỉnh với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định công tác cung ứng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước", ông Thành cho biết.

Năm 2025, ngành Ngân hàng tỉnh Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Rà soát, hỗ trợ người dân hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến chủ tài khoản, tạo điều kiện thuận trong giao dịch cho người dân.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành cùng với địa phương trong các chương trình hoạt động an sinh xã hội, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật