Nhận diện thủ đoạn lừa đảo mới để tránh mất tiền oan ở ngân hàng
Các đối tượng lừa đảo liên tục sử dụng những công nghệ mới để chiếm quyền kiểm soát điện thoại người dùng, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
BIDV cho biết gần đây một số khách hàng nhận được tin nhắn SMS có brandname (thương hiệu) BIDV thông báo trúng thưởng, tặng quà, ưu đãi lớn… và gửi kèm đường link để khách hàng nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản. Thực chất đây là đường link giả mạo, lừa đảo để khách hàng tiết lộ thông tin thẻ, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản.
"Ngân hàng không gửi SMS kèm các đường link. Các tin nhắn có đường link đều là giả mạo. Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link gửi qua SMS mạo danh BIDV.
Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ tin nhắn giả mạo, khách hàng thông báo ngay cho BIDV tại các điểm giao dịch gần nhất, qua hotline 19009247 hoặc liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ" - BIDV gửi cảnh báo tới người dùng.
Trong khi đó, thông tin đáng chú ý được Sacombank nêu ra là các đối tượng lừa đảo liên tục sử dụng những công nghệ mới để chiếm quyền kiểm soát điện thoại người dùng và thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, trong đó nghiêm trọng nhất là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Khác so với trước, các đối tượng không chỉ nhắm vào người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android mà người dùng iPhone (iOS) cũng đã nằm trong danh sách nhắm đến của các đối tượng lừa đảo.
"Kẻ gian tìm cách dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng lạ, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và trộm tiền trong tài khoản ngân hàng thông qua Quyền trợ năng Accessibility trên các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android; tính năng Message Filtering trên iPhone (hệ điều hành iOS), khách hàng cần cẩn trọng, tắt các tính năng này" - đại diện Sacombank nói.
Một số thủ đoạn được Sacombank cảnh báo là kẻ gian có thể giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng; cung cấp link và dẫn dụ khách hàng nhấn vào để cài đặt ứng dụng giả mạo của cơ quan nhà nước, ngân hàng.
Yêu cầu cấp quyền theo dõi thiết bị, từ đó điều khiển điện thoại của người dùng từ xa, lấy cắp danh bạ và thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, thậm chí là mạo danh để lừa đảo.
Để tăng cường bảo mật, ngoài đầu tư vào công nghệ, cảnh báo người dùng, các ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp khác.
Mới đây, VietABank cho biết đã triển khai tính năng "Chặn đăng nhập ứng dụng VietABank EzMobile trên thiết bị lạ". Theo đó, mỗi khách hàng chỉ được đăng nhập trên thiết bị di động thường xuyên sử dụng (thiết bị đồng nhập lần đầu) nhằm tăng cường an ninh và bảo vệ tài khoản.
Trong trường hợp cần phải đăng nhập, khách hàng cần liên hệ tới tổng đài hoặc tới điểm kinh doanh gần nhất của VietABank để được hỗ trợ.
Theo Thái Phương, Ảnh: Lam Giang
Người lao động