OCB công bố kết quả kinh doanh quý I/2025
Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, hoạt động cốt lõi giữ đà tăng trưởng tốt.
Kết thúc quý I/2025, quy mô tài sản của OCB đã có sự tăng trưởng so với đầu năm, đạt mức 289.067 tỷ đồng, tăng 3%.
Ngân hàng cũng ghi nhận kết quả dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, với sự đóng góp đáng kể từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với mức tăng trưởng 9,3%. Đây là tín hiệu khởi sắc, phản ánh hiệu quả của các giải pháp mà ngân hàng đang triển khai và cho thấy nguồn vốn cũng đã được tối ưu hóa để hỗ trợ nhóm khách hàng này, theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN. Huy động thị trường 1 đạt 207.984 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.
Tổng thu thuần đạt 2.273 tỷ đồng tương đương cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quý I/2025, OCB tiếp tục ghi nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt và ổn định. Thu thuần từ lãi đạt 2.164 tỷ đồng, tăng 13,8% so với quý I/2024 nhờ vào quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh 20,4%. Thu thuần từ dịch vụ tăng 9,4% so với cùng kỳ, đạt 131 tỷ đồng đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả, phục hồi của hoạt động tư vấn và đại lý bảo hiểm và các khoản thu phí khác từ dịch vụ.
Tính đến ngày 31/3/2025, lợi nhuận trước thuế lũy kế của OCB đạt 893 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát theo đúng quy định của NHNN.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB cho biết: “Kết quả kinh doanh quý I/2025 của ngân hàng chưa đạt như kỳ vọng lý do chính đến từ nợ xấu tăng, cụ thể là nợ có tài sản bảo đảm của khách hàng cá nhân. Khi nền kinh tế có khó khăn, khách hàng cá nhân chính là đối tượng bị ảnh hưởng khá nặng, phải đối mặt với tỷ lệ mất việc cao, mất nguồn thu nhập chính dẫn đến mất khả năng trả nợ... Từ đó, tác động mạnh đến khả năng chi trả các khoản vay tại ngân hàng. Mặt khác, giai đoạn vừa qua, OCB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chuyển đổi số cũng như phát triển mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc. Việc đầu tư này ở giai đoạn ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng về dài hạn, đây được xem là chi phí tốt, nhằm tạo đà phát triển bền vững cho OCB và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới”.
Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, NHNN cùng tình hình thị trường bất động sản cũng đang dần “sôi động” trở lại, chúng tôi kỳ vọng nợ xấu của ngành Ngân hàng có thể giảm và sẽ dần cải thiện từ quý II, cũng như thể hiện rõ nét hơn trong nửa cuối năm, ông Hải cho biết thêm.
OCB đang có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ
Là một trong những ngân hàng hoạt động với mục tiêu tăng trưởng ổn định, minh bạch và bền vững, những năm trở lại đây, dù tình hình kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng do những tác động, ảnh hưởng từ thị trường nhưng thực tế cho thấy, OCB đã và đang có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ theo hướng phát triển cân bằng, bền vững khi nhanh chóng tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo chiến lược đa dạng nguồn thu, danh mục khách hàng chuyển dịch mạnh mẽ sang nhóm khách hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt, nâng cao chất lượng tài sản, đẩy mạnh hiệu quả công tác quản trị nợ, tiên phong đầu tư chuyển đổi số…
Được biết đến nay, OCB là một trong những ngân hàng tiên phong trong hành trình triển khai mô hình Ngân hàng mở (Open Banking). Những sản phẩm số này đã góp phần gia tăng khách hàng và tỉ lệ CASA của OCB lên mức ấn tượng so với những năm trước đó. Đơn cử, đến cuối năm 2024, số lượng khách hàng kết nối Open API với OCB tăng gần 2,5 lần so với năm 2023, số lượng đối tác mới tăng gần gấp 2 lần tổng lũy kế của các năm trước đây, với mức tăng CASA bình quân của các đối tác hơn 30% nhờ vào việc sử dụng Open API. Đối với ngân hàng số OCB OMNI, chỉ sau 7 tháng ra mắt phiên bản mới, số lượng giao dịch trên kênh này đã tăng 74%, CASA tăng 21% và doanh thu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại OCB đã đạt mức 96,2%, mức khá cao so với các ngân hàng khác trên toàn hệ thống.