A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SCB giảm mạnh lãi suất huy động xuống dưới 7%, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống

Trước đó, SCB từng niêm yết lãi suất huy động lên tới 9,95% vào cuối năm 2022. Hiện, lãi suất huy động của SCB tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã giảm khoảng 3 điểm % so với giai đoạn cao điểm.

 

SCB giảm mạnh lãi suất huy động xuống dưới 7%, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 28/6. Theo đó, SCB đã đồng loạt giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và giữ nguyên các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là Gửi tiết kiệm online, các kỳ hạn dưới 6 tháng được hưởng mức lãi suất trần theo quy định là 4,75%/năm. Trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn 6 – 11 tháng giảm từ 7,35% xuống còn 6,85%/năm; kỳ hạn 12 – 13 tháng giảm từ 7,45% xuống còn 6,95%/năm; kỳ hạn 13 – 36 tháng giảm từ từ 7,35% xuống còn 6,85%/năm.

Đây là đợt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp của SCB kể từ đầu tháng 6. Trước đó, ngân hàng này đã có 2 đợt điều chỉnh vào ngày 19/6 và 7/6.

Còn nhớ hồi cuối năm 2022, SCB là một trong những ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống, lên tới 9,95% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại SCB đã giảm 1,25 điểm % tại các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm khoảng 3 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Sau đợt điều chỉnh này, SCB hiện nằm trong nhóm ngân hàng có biểu lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.

Trước SCB, nhiều ngân hàng cũng vừa giảm thêm lãi suất huy động từ đầu tuần này, tập trung vào các kỳ hạn dài.

Mới đây, HDBank tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đồng loạt giảm 0,5 điểm %, từ mức trần 4,75%/năm theo quy định xuống còn 4,25%/năm; lãi suất các kỳ hạn chính như 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng giảm 0,2 điểm % xuống mức 7,3%/năm; trong khi các kỳ hạn khác được giữ nguyên.

Đây là đợt giảm lãi suất huy động lần thứ 4 liên tiếp của HDBank trong chưa đầy 1 tháng qua. Trước đó, ngân hàng này đã có 3 đợt điều chỉnh khác diễn ra vào ngày 31/5, 12/6 và 19/6.

Từ ngày 26/6, OceanBank đồng loạt giảm 0,3 - 0,4% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 7,8%/năm dành cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, theo hình thức gửi tiền online. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất thứ ba liên tiếp của Oceanbank trong chưa đầy nửa tháng qua. Trước đó, ngân hàng này cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động vào ngày 19/6 và 17/6.

Từ ngày 26/6, NCB giảm 0,1 điểm % lãi suất huy động 6 tháng xuống còn 7,3%. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ năm liên tiếp kể từ đầu tháng 6 của NCB. 4 lần trước diễn ra vào ngày 3/6, 8/6, 13/6, 17/6 và 21/6. Sau 5 lần giảm liên tiếp, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của NCB đã giảm 0,25 điểm %, trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,55 – 0,8 điểm %.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng hôm nay (28/6) cho thấy, mức lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 8%, do GPBank niêm yết cho hình thức gửi tiền trực tuyến.

Các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,5 – 7,8% như ABBank, BacABank, VietBank, OceanBank, Nam A Bank, BVBank, SHB, VietABank, NCB, OCB và Eximbank.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 1 năm dao động trong khoảng 7 - 7,2%/năm. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường là 6,3%/năm.

SCB giảm mạnh lãi suất huy động xuống dưới 7%, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống - Ảnh 2.

Lãi suất cao nhất được niêm yết tại website các ngân hàng ngày 28/6. (Quốc Thụy tổng hợp)

Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi tiền theo hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.

Hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.

Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 – 3 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận cuối tháng 1/2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật