Trung Quốc thắt chặt quản lý rủi ro ngân hàng
Để vừa quản lý an toàn hệ thống tài chính, vừa đảm bảo các ngân hàng cho vay vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh, Trung Quốc thắt chặt quản lý rủi ro ngân hàng.
=
Trong 3 năm dịch COVID-19, cơ cấu tài sản các ngân hàng đã thay đổi mạnh nên việc phân loại chính xác rủi ro tín dụng và chất lượng tài sản là yêu cầu cấp thiết.
Từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhân dân (Ngân hàng Trung ương), Ủy ban Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc ra quy định, các ngân hàng phải phân loại tài sản vượt quá mức cho vay như đầu tư trái phiếu , cho vay liên ngân hàng, tài sản ngoại bảng thành 5 loại từ an toàn đến rủi ro mất vốn. Các ngân hàng được yêu cầu xem xét kỹ lưỡng chất lượng tài sản khi phân loại rủi ro. Ít nhất mỗi quý, phải phân loại tài sản 1 lần. 3 năm xảy ra dịch bệnh, chất lượng tài sản và các khoản cho vay có nhiều rủi ro mới. Các nguyên tắc phân loại mới được áp dụng từ 1/7 cho các hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Hạn chót các ngân hàng phải hoàn thành phân loại là năm 2025.
Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, 3 năm nay các cơ quan chức năng đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay, mua trái phiếu. Gần đây, lĩnh vực xây dựng - bất động sản đứng trước nguy cơ khủng hoảng khi sức mua giảm, giá giảm liên tiếp hơn 1 năm rưỡi nay, các ngân hàng tích cực cùng cơ quan chức năng ra tay giải cứu.
Chỉ trong tháng 1/2023, các khoản vay mới đã lên mức kỷ lục hơn 4.900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 720 tỷ USD, tăng đến 136 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Các khoản vay tăng mạnh cho các doanh nghiệp bất động sản uy tín để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Dù đã có nhiều nới lỏng điều kiện cho vay nhưng hàng loạt các nhà phát triển bất động sản cũng đang đối mặt với thời hạn trả nợ trái phiếu đến hạn. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang khát vốn, ngân hàng được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm các quy định trong đánh giá rủi ro tín dụng để tái cơ cấu nợ, đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.