A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

World Bank cảnh báo 2 rủi ro tiềm ẩn của Việt Nam: Áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng cùng sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2% trong năm 2022, cao nhất tại khu vực Đông Á. Đồng thời, chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam cả bên ngoài lẫn bên trong.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đợt phong tỏa do Covid-19 vào Q3/2021, tăng 6,4% trong nửa đầu năm 2022. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên những khởi sắc của ngành xuất khẩu, các quy định về hạn chế di chuyển do Covid-19 được dỡ bỏ giúp giải phóng nhu cầu bị dồn nén, và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài.

Giống như các quốc gia khác trong khu vực (ngoài Trung Quốc), kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2022 và đạt mức tăng trưởng 7,2%, cao nhất tại Đông Á và đứng thứ hai trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sau quốc đảo Fiji. Cơ sở để WB đưa ra ước tính này là nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ, trong khi hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Lạm phát dự kiến tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa lần hai, trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.

Tuy nhiên, các rủi ro đối với kinh tế Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn ở phía trước. Những nguy cơ bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, sự suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc), cùng sự gián đoạn tiếp diễn trong Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Về rủi ro trong nước, lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.

WB đánh giá trong ngắn hạn, với bối cảnh kinh tế vẫn đang phục hồi và lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ thích ứng đang được triển khai vẫn phù hợp, trong khi một lập trường tài khóa có tính hỗ trợ hơn sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng. Điều này có nghĩa là cần sử dụng ngân sách và thực hiện chương trình hỗ trợ 2022-2023 hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, WB cho rằng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ. Rủi ro về tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu, đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng.

Sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 là đặc điểm chung của hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế Covid-19. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển trong khu vực ngoài Trung Quốc sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021.

Trung Quốc, trước đó là quốc gia dẫn dắt phục hồi trong khu vực, hiện đang được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 8,1% năm 2021. Tính trong toàn khu vực, tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm nay, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm tới.

WB nhận định trong thời gian tới, kết quả kinh tế trên khắp khu vực có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn cầu chững lại, nợ gia tăng, và tình trạng lệ thuộc vào các biện pháp xử lý kinh tế ngắn hạn nhằm chống đỡ giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.

Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, nhận định các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật