A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ai hưởng lợi nhiều nhất khi giá lúa tăng?

Xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi khi nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu thị trường tăng mạnh. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới, thế nhưng có một nghịch lý là mức thu nhập của người trực tiếp làm ra hạt lúa chưa cao, vì sao?

 

Ai hưởng lợi nhiều nhất khi giá lúa tăng? - Ảnh 1.

Do chốt giá bán trước nên nông dân không được hưởng lợi khi giá lúa tăng. Ảnh Hoàng Vũ

Nông dân chưa được hưởng lợi

Theo TS Đào Minh Sô, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, với năng suất bình quân vụ lúa Hè thu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 5,5 tấn/ha, giá bán lúa khoảng 8.000 đồng/kg thì thu nhập của người trồng lúa có khả năng đạt khoảng 44 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 22 triệu đồng/ha.

Cách tính toán của TS Sô hoàn toàn phù hợp với giá thóc định hướng theo công văn số 6378/BTC-QLG của Bộ Tài chính về việc công bố giá mua thóc định hướng vụ Hè thu năm 2023. Theo đó, giá thành sản xuất bình quân thóc vụ Hè thu 2023 tại các tỉnh ĐBSCL khoảng 4.708 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn trên thực tế rất ít có nông hộ tại khu vực ĐBSCL bán lúa được với giá 8.000 đồng/kg, mà hầu hết phải bán qua cò lúa với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Do vậy, người trồng lúa khó đạt được mức lợi nhuận 100% như cách ước tính như trên.

Thứ trường Trần Thanh Nam: Hiện tại, chỉ có 12,1% trên tổng sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp; hơn 50% sản lượng lúa được nông dân bán qua thương lái. Trong số 180 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thì chỉ có 50 doanh nghiệp có ký hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã.

Nông dân Trần Phước Tấn, ấp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết, vụ lúa Hè thu vừa thu hoạch xong, gia đình ông trồng 4ha lúa giống OM 5451, với năng suất khoảng 6 tấn/ha, bán với giá 6.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 2 triệu đồng/công (công 1.300m2).

"Vụ Hè thu thường nhẹ phân, thuốc hơn các vụ khác, giá phân lúc đó cũng chưa tăng nhiều như bây giờ nên mức lãi tương đối khá. Tuy nhiên, vụ Thu đông này vừa xuống giống giá vật tư phân bón đã tăng, nếu bán lúa giá thấp hơn vụ Hè thu thì sẽ khó có lời", ông Tấn lo lắng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bảnh, nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, với diện tích trồng lúa nhỏ lẻ vài công/hộ nên nông dân ở đây thường bán qua "cò lúa" chứ ít có hộ nào bán trực tiếp cho công ty.

"Vụ Đồng xuân nông dân ở đây bán chỉ với giá 6.400 đồng/kg nên vụ Hè thu này bán được với giá 6.600 đồng/kg là xem như bán được giá cao nhất từ trước đến nay rồi", ông Bảnh nói.

Ai hưởng lợi nhiều nhất khi giá lúa tăng? - Ảnh 2.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo nông dân liên kết sản xuất để bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp với giá cao hơn. Ảnh Hoàng Vũ

Vậy ai hưởng lợi nhiều nhất?

Nghịch lý của thị trường lúa gạo hiện nay là nông dân trồng lúa bán với giá thấp nhưng doanh nghiệp phải mua giá cao hơn rất nhiều và tìm nguồn hàng để mua cũng không phải dễ.

Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, nghịch lý xuất khẩu gạo năm nay là mặc dù thị trường xuất khẩu rất tốt nhưng doanh nghiệp lại rơi vào thế khó khăn không tưởng, lúa nguyên liệu tăng từng ngày.

"Hiện nay, mặc dù doanh nghiệp chấp nhận mua lúa với giá cao từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, nhưng cũng rất khó tìm được nguồn hàng. Trước khó khăn về nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng xuất khẩu với khối lượng lớn", bà Huyền cho biết.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam, cho biết, thông thường nông dân thu hoạch xong thì bán lúa ngay nhưng năm nay không lúa biết đi đâu mà rất khó mua.

"Thiếu chân hàng và giá giao dịch biến động không lường trước được là những rủi ro tiềm ẩn khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu "co lại" không dám ký bán đơn hàng lớn", ông Nam phản ánh.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, giá gạo xuất khẩu cao như hiện nay là một cơ hội cho hạt gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế thời gian qua một số doanh nghiệp có "chân hàng" thì hiệu quả kinh doanh rất tốt.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp không có "chân hàng" và ký hợp đồng bán trước với giá thấp nhưng lúc giao hàng giá tăng cao nên đã thua lỗ nặng.

Hiện tượng lật kèo, bẻ kèo không giao hàng giữa thương lái và doanh nghiệp cũng đã xảy ra.

"Để hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo phát triển bền vững, VFA kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tăng cường trong quản lý sản xuất, quản lý hợp đồng xuất khẩu, tránh để các doanh nghiệp ký kết xuất khẩu nhiều hơn định mức xuất khẩu của năm 2023, thiếu hàng giao làm mất uy tín thương hiệu gạo quốc gia", ông Nam cho biết.

Đồng thời các địa phương cũng cần vận động nông hộ hợp tác sản xuất, đưa liên kết sản xuất đi vào thực chất vì nếu cứ để nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ và cũng không thể đi kiện từng hộ nông dân nếu họ vi phạm hợp đồng, ông Nam nói thêm.

Theo ý kiến của nhiều nông dân trồng lúa tại các tỉnh miền Tây, hiện nay phương thức bán lúa ở đây chủ yếu là bán qua "cò lúa". Khi trà lúa làm đồng thì các "cò lúa" đã tiếp cận chốt giá mua và đặt cọc từ 200.000 - 300.000 đồng/công.

Những lúc giá lúa tăng liên tục như hiện nay, các "cò lúa" mua vụ trước và sẵn sàng đặt cọc cho vụ sau.

"Năm nay giá lúa tăng cao, nhưng do nông dân đã chốt giá bán trước với "cò lúa" nên cũng không được hưởng lợi bao nhiêu. Ngược lại, các "cò lúa" năm nay làm ăn được vì mua giá thấp nhưng bán lại với giá rất cao", nhiều nông dân ở miền Tây cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nông dân nên doanh nghiệp xuất khẩu rất khó trong khâu thu mua nguyên liệu trực tiếp với nông dân.

Do đó, các thương lái giống như cánh tay nối dài của doanh nghiệp đến nông hộ.

Hiện nay có đến 80% nông hộ bán sản phẩm qua thương lái. Hợp đồng mua bán giữa thương lái và nông dân chủ yếu là "hợp đồng miệng" nên thường xảy ra tình trạng "lật kèo" nhau khi giá cả biến động mạnh.

Do vậy, để sản xuất bền vững, doanh nghiệp mua nguyên liệu được "tận gốc", nông dân bán sản phẩm "tận ngọn", hợp đồng mua bán được ký kết có cơ sở pháp lý ràng buộc nhau, tránh "lật kèo" thì các nông hộ phải bắt tay nhau làm ăn hợp tác.

"Nếu các vùng sản xuất đều tổ chức được đầu mối như tổ hợp tác, hợp tác xã thì doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm sẽ "rất khỏe' trong thu mua nguyên liệu", Thứ trưởng Nam nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật